Giáo dục ASEAN cùng sẵn sàng ứng phó với thách thức trong tương lai

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển của mọi quốc gia, mọi dân tộc trong mọi thời đại.
Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Giáo dục, đại diện phụ trách Giáo dục của các nước thành viên trong ASEAN. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

"Việt Nam rất quan tâm đến việc đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng giáo dục" là nội dung được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Kim Sơn đặc biệt nhấn mạnh tại Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12, được tổ chức tại Hà Nội trong sáng ngày 13/10.

Đây là sự kiện quan trọng trong nhiệm kỳ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam là Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN năm 2022 và 2023.

Lễ khai mạc sự kiện có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Giáo dục, đại diện phụ trách Giáo dục của các nước thành viên trong ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam); đại diện Ban Thư ký ASEAN; Ban Thư ký Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) và Giám đốc Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN).

[Việt Nam tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12]

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Kim Sơn khẳng định Việt Nam coi giáo dục là quốc sách, phát triển giáo dục được xác định là một trong ba khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021–2030.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

“Một năm vừa qua, những nội dung được xác định nhằm đảm bảo phù hợp với ưu tiên của hợp tác giáo dục ASEAN giai đoạn 2021-2025 đã được chúng ta hiện thực hóa bởi rất nhiều hoạt động theo đúng tinh thần “nỗ lực chung” - trong đó có những hoạt động chính như Hội nghị giáo dục với chủ đề “Hồi phục việc học, tái xây dựng hệ thống giáo dục;” Tài liệu phục hồi và thích ứng trong giáo dục: hướng dẫn cho các quốc gia ASEAN do Campuchia chủ trì xây dựng; Tuyên bố ASEAN về chuyển đổi số trong giáo dục do Philippines chủ trì xây dựng; Lộ trình thực hiện Không gian giáo dục đại học ASEAN 2025 được công bố tại Hà Nội,” Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Với mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ các nước thành viên ASEAN và các đối tác trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cam kết “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hiện thực hóa những ưu tiên và định hướng lớn của giáo dục ASEAN trong giai đoạn sắp tới.”

Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt mục tiêu tái thiết lại nền giáo dục với những chuẩn mực mới để tăng cường khả năng thích ứng trước những thay đổi và những thách thức khó lường trong tương lai.

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến hoạt động học tập của ít nhất 180 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng do nhiều trường học phải đóng cửa và có đến 35 triệu học sinh không được đến trường trong gần hai năm vừa qua. Điều này đã tác động tiêu cực đến hoạt động học tập của học sinh.

"Thông qua hội nghị này và cùng những ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam vinh dự là Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN năm 2022 và 2023, tôi tin tưởng rằng ngành giáo dục của các nước ASEAN sẽ cùng nhau xây dựng và thực thi chính sách giáo dục đúng đắn và hiệu quả để khôi phục và duy trì tính liên tục của hoạt động học tập cũng như góp phần vào kế hoạch dài hạn của từng quốc gia trong cộng đồng ASEAN, sẵn sàng ứng phó với những thách thức trong tương lai bằng cách xây dựng một hệ thống giáo dục linh hoạt. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa để Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cùng các bộ ngành địa phương thúc đẩy thực hiện các hành động được thống nhất tại hội nghị, phù hợp với tinh thần, tầm nhìn cộng đồng ASEAN đến năm 2025," Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt mục tiêu tái thiết lại nền giáo dục để ứng phó với những thách thức trong tương lai. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12, Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN tập trung trao đổi về tình hình giáo dục và đào tạo của mỗi nước, chia sẻ các bài học thực tiễn, kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp hợp tác, hướng tới phát triển giáo dục bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19. Hội nghị cũng cập nhật tình hình triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động giáo dục ASEAN giai đoạn 2021-2025 và thảo luận các vấn đề khác.

Đại diện các nước đánh giá cao việc Việt Nam đảm nhận hiệu quả vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023, dẫn dắt ngành giáo dục ASEAN theo sự chỉ dẫn trong Kế hoạch Công tác ASEAN về Giáo dục giai đoạn 2021-2025 cũng như đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 cùng các Hội nghị liên quan.

Dự kiến, từ nay đến hết nhiệm kỳ, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam sẽ tập trung triển khai thúc đẩy, chăm sóc sức khỏe tinh thần của học sinh vì đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến việc học, dẫn đến việc hổng kiến thức của học sinh mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tinh thần của các em. Tăng cường giáo dục về biến đổi khí hậu nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam thực hiện tại Hội nghị COP 26 và sẽ phối hợp với các nước đối tác tổ chức các chương trình trực tuyến bồi dưỡng cho giáo viên về phương thức giảng dạy về biến đổi khí hậu. Tạo không gian chung để sinh viên các nước ASEAN và ASEAN+3 chia sẻ về khởi nghiệp trong giới trẻ.

Sau Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12, trong ngày 14/10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Kim Sơn sẽ chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 (với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) lần thứ 6 và Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Giáo dục Đông Á ASEAN-EAS (gồm các nước ASEAN+3 và các đối tác Mỹ, Úc, New Zealand, Nga, Ấn Độ) lần thứ 6.

Trước đó, từ 11-12/10, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Văn Phúc chủ trì các Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN, gồm Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN lần thứ 17; Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN+3 lần thứ 12 và Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN-EAS lần thứ 7./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục