Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6% về số lượng

Đến cuối năm 2022, hầu hết các tổ chức tín dụng đã đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng trong hoạt động thanh toán.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Thông tin tại buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước diễn ra ngày 27/12, ông Nguyễn Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết tính đến hết tháng 11/2022, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 89,36% và 40,55%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 182,5% và 210,6%; giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,57% và 48,78%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 13,28% và 14,04%.

[Mua sắm trực tuyến, thanh toán không tiền mặt tăng mạnh trong năm 2022]

Đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đã, đang hoặc dự tính xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số; tích cực ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hoặc hợp tác với công ty Fintech nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng trong hoạt động thanh toán.

Cũng theo ông Tuấn Anh, nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100%. Nhiều ngân hàng đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30-40%. Các ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu lớn (Big Data) trong đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân....

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thường xuyên, chủ động theo dõi, chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục