Giang Trang – “Nguyệt Hạ”: “Những người đến không vì mong”

Không khí ấm áp, cùng nhiều khắc tinh tế đã níu chân khán giả ngồi lại, yên lắng và bặt thiệp thưởng thức cuộc chơi của người nghệ sỹ thay vì giận dỗi bỏ về vì những sự cố âm thanh ngoài ý muốn.
Giang Trang – “Nguyệt Hạ”: “Những người đến không vì mong” ảnh 1Không gian sân khấu 'Nguyệt Hạ.' (Ảnh: Công Cường)

Tối qua (17/7), một đêm Hè oi ả, Giang Trang và các cộng sự của chị đã mang"Nguyệt Hạ" đến với công chúng yêu nhạc Hà Nội.

Sân khấu L’Espaca bỗng lạ lẫm hiếm thấy, khi được "sắp đặt" bởi chiếc tivi, cây đèn cũ kỹ, tấm phông nền quê kiểng. Trên cao, một quả cầu vàng sậm treo lờ lững như biểu tượng của bóng trăng chìm mùa Hạ được xem là ý tưởng xuất sắc của Phi Phi Anh, khi hút sự tập trung về mặt thị giác. Không gian "Nguyệt Hạ" vì thế, trở nên đầy hoài niệm.

Dưới bóng của trăng, là dáng ngồi của Giang Trang - "Người hát nhạc Trịnh" lặng lẽ và hiu quạnh như đang ở chính căn phòng thân thuộc, có tiếng chim hót, tiếng mưa rơi, phần nào biểu thị được không gian đời sống trong nhạc Trịnh.

Gần hai giờ đồng hồ, khán phòng L'Espace không còn chỗ trống. Tất cả lặng im, thư giãn như đang "ngồi bên dòng sông" giữa đêm Hè, nghe Giang Trang "kể" câu chuyện âm nhạc của “Nguyệt Hạ” trên nền flute và guitar cổ điển.

Giang Trang – “Nguyệt Hạ”: “Những người đến không vì mong” ảnh 2Giang Trang trong đêm 'Nguyệt Hạ.' (Ảnh: Thế Đại)

Nhưng cuộc chơi nghệ thuật ngẫu hứng luôn chứa nhiều bất ngờ. Mọi sự sẽ thật hoàn hảo và thi vị, nếu thi thoảng không có những tiếng đì đùm như sấm chớp, tiếng gầm gào như thác chảy từ những sự cố của âm thanh.

Song, từ biến cố của khách quan, lại làm lộ diện tâm điểm của “Nguyệt Hạ” - chính là chân dung người nghệ sỹ. Có lẽ, chưa bao giờ, những khán giả của Giang Trang lại nhìn thấy rõ nét sự vô ưu và cốt cách khiêm nhường, bình thản của tài năng nghệ sỹ lặng lẽ và ẩn dật ấy.

Trên sân khấu, vẫn là Giang Trang với dáng ngồi cô liêu, thư thái cất lên giọng hát mảnh, nhẹ nhưng trầm mặc như đang chuyện trò. Sự đối thoại của tiếng hát Giang Trang và tiếng sáo Lê Thư Hương, guitar cổ điển của Lê Thu trong “Cho đời chút ơn” “Sẽ còn ai” tạo nên những xúc cảm thi vị.

Giang Trang – “Nguyệt Hạ”: “Những người đến không vì mong” ảnh 3Khán phòng L'Espace không một chỗ trống... (Ảnh: Thế Đại)

Hay, bản radio ca khúc "Dis, quand reviendras-tu?" (Hãy nói đi, khi nào anh sẽ quay về?) của danh ca nổi tiếng người Pháp Barbara vang lên đột ngột giữa thinh không như sự đồng vọng, kết nối âm nhạc và tâm hồn thực sự là một kiến giải hợp lý đưa đến khoảng lặng đặc biệt.

Chính không khí ấm áp, cùng nhiều khắc tinh tế đó, đã níu chân khán giả ngồi lại đến những giây phút cuối cùng, yên lắng và bặt thiệp thưởng thức cuộc chơi của người nghệ sỹ với sự trân quý, mến mộ thay vì giận dỗi bỏ về vì những thanh âm léo nhéo phiền hà ngoài ý muốn.

Sự chia sẻ của khán giả đã minh chứng cho tình yêu nhạc Trịnh và thương mến tiếng hát Giang Trang vô cùng sâu đậm.

Cảm tưởng, khán giả của tiếng hát kỳ lạ này cũng vô cùng đặc biệt. Dường như, họ không đến để xem và nghe nhạc như cung cách thường thấy. Họ đến để cảm nhận âm nhạc như thứ thuộc về tinh thần, đồng vọng về tâm hồn. Giống như ca từ Trịnh Công Sơn đã viết trong bài dành cho mình và tiếng hát ấy:

“Ngồi bên dòng sông nhớ đời mình
Một trăm năm sau mãi ngủ yên
Những người đến không vì mong
Những người khuất không vì quên…”
(Sẽ còn ai)

Giang Trang – “Nguyệt Hạ”: “Những người đến không vì mong” ảnh 4

Có người từng “đúc kết” về nhạc Trịnh như thế này, đại ý, phàm những người sống thiên về nội tâm thì thích nhạc Trịnh. Họ sống lặng lẽ, thu mình, và chủ động cô đơn. Họ tránh ồn ào nhưng lại cần tâm sự, chia sẻ và đối thoại.

Và tối qua, trên sân khấu “Nguyệt Hạ” – Giang Trang đã làm được việc ấy. Một người kể chuyện, chia sẻ, đối thoại bằng âm nhạc.

Nghe lâu tiếng hát này, từ “Lênh đênh nhớ phố,” “Hạ Huyền,” “Chiều qua vẫn qua” đến “Nguyệt Hạ” càng thấy thanh âm ấy ngày càng gần gụi, trầm mặc như lời chuyện trò, an nhiên, thấu cảm. Ai thấy hợp thì sẽ ở lại và ở lại thật lâu, thật sâu.

Trong bài viết trước, người viết bài từng nhận xét về tiếng hát Giang Trang “thu mình, để khởi lộ vùng trời khác trong nhạc Trịnh.” Cảm nhận đó vẫn y nguyên trên sân khấu“Nguyệt Hạ” tối qua.

Dưới bóng trăng chìm của "Nguyệt Hạ," Giang Trang luôn giấu tiếng hát của chính mình, cúi xuống thật gần, dẫn dắt khán giả vào không gian đầy biểu thị của tính nhạc, để suy tư và tưởng tượng để khám phá ân nhạc Trịnh Công Sơn.

Giang Trang – “Nguyệt Hạ”: “Những người đến không vì mong” ảnh 5Khán giả ưu tư khi thưởng thức âm nhạc. (Ảnh: Thế Đại)

Như Giang Trang đã bộc bạch, âm nhạc Trịnh Công Sơn đã rất lớn mạnh trước khi có thêm một người. Nhưng chính tư duy chơi nhạc, luôn kết nối những tâm hồn nghệ sỹ để tìm tòi, sáng tạo để mang đến không gian thưởng thức mới thay vì bám vào ca từ Trịnh Công Sơn, đã mang đến cho Giang Trang một chỗ đứng riêng trong lòng khán giả.

Họ mến giọng hát này và ở lại, chính bởi sự chia sẻ, đồng vọng về tinh thần của những tâm hồn yêu âm nhạc, yêu sự chân thành, hướng thiện.

Dẫu chưa từng học hát một ngày nào, chưa bao giờ nhận mình là ca sỹ, sau 15 năm "bén duyên" như ngọn gió tình cờ lạc vào cõi Trịnh, sức hút mang tên Giang Trang là có thật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục