Giằng co mới trong cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ

Sau 4 giờ đàm phán, một lần nữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế lại không đi đến thỏa thuận trong cuộc đàm phán cam go tại Brussles (Bỉ).
Toàn cảnh buổi làm việc giữa EU-IMF và Hy Lạp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 4/6, sau bốn giờ đàm phán, một lần nữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế lại không đi đến thỏa thuận trong cuộc đàm phán cam go tại Brussles (Bỉ), bất chấp những tuyên bố lạc quan của cả Athens lẫn lãnh đạo Đức và Pháp.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã bay đi Brussels gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhằm nỗ lực tìm ra một kế hoạch cải cách được các bên chấp nhận, hòng giải ngân khoản cứu trợ 7,2 tỷ euro đang vô cùng cần thiết cho đất nước cạn kiệt nguồn tiền mặt và đối mặt với khoản trả nợ lớn đầu tiên vào ngày 5/6.

Cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh đáp lại kế hoạch cải cách mà Thủ tướng Tsipras cho rằng mang tính chất nhượng bộ và là "kế hoạch thực tiễn duy nhất," các chủ nợ quốc tế đã đưa ra với Athens một kế hoạch khác do họ soạn thảo tại Berlin (Đức) ngày 1/6.

Theo nguồn tin từ phía Hy Lạp, ông Tsipras đến Brussels sau khi được lãnh đạo Đức và Pháp khích lệ rằng họ đồng ý hạ bớt những mục tiêu ban đầu cũng như tìm được một giải pháp khẩn cấp để giải ngân khoản cứu trợ 7,2 tỷ euro, đổi lại Hy Lạp phải đưa ra những cam kết cải cách và "thắt lưng buộc bụng."

Lãnh đạo Đức và Pháp trước cuộc gặp cũng lạc quan rằng các bên đang tiến rất gần đến một thỏa thuận nhằm tránh cho Hy Lạp không bị phá sản và rời khỏi Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Tuy nhiên, theo tuyên bố của ông Tsipras sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Juncker, Athens vẫn kiên quyết từ chối một số đề xuất của các chủ nợ quốc tế, cụ thể là cắt giảm lương hưu và tăng thuế điện.

Ngày 5/6 là thời hạn Hy Lạp phải thanh toán cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) 300 triệu euro đầu tiên, mở màn cho "tháng trả nợ" với tổng số tiền lên tới 1,6 tỷ euro. Athens đã tuyên bố không có tiền cho những nghĩa vụ trên trừ phi được giải ngân 7,2 tỷ euro.

Đàm phán kéo dài suốt bốn tháng qua giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế cho đến nay vẫn bế tắc do các chủ nợ yêu cầu phải có những cải cách rộng lớn hơn nữa theo hướng cắt giảm chi tiêu, còn Athens lại từ chối đáp ứng những yêu cầu "thắt lưng buộc bụng."

Mất khả năng trả nợ đồng nghĩa với việc phải tuyên bố phá sản, trong trường hợp của Hy Lạp còn kéo theo nguy cơ nước này rời khỏi Eurozone, việc mà các nền kinh tế đầu tàu như Đức và Pháp đều không muốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục