Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Bằng cho biết, từ khi tỉnh này thành lập các điểm chôn lấp vào giữa năm 2017, tình trạng vứt xác lợn chết ven đường đã được xử lý, đảm bảo môi trường, song thi thoảng tình trạng này vẫn xảy ra vào ban đêm.
Điều đáng nói là, việc tẩu tán xác lợn chết trên đã khiến tỉnh vùng cao biên giới này đã và đang phải đối mặt với sức ép ô nhiễm môi trường, giảm giá thành và phát sinh dịch bệnh do không kiểm soát được đầu vào và đầu ra trong việc luân chuyển lợn.
Ám ảnh xác lợn chết vứt ven đường
Trong buổi làm việc với phóng viên VietnamPlus vào cuối tháng 12/2017, ông Đào Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Bằng cho biết, năm 2016, khi Trung Quốc “mở cửa” thu mua lợn thịt, hàng loạt tiểu thương đã chở một lượng lớn lợn thịt lên Cao Bằng để xuất khẩu sang biên giới.
“Cơn lốc” xuất khẩu lợn phát triển nhanh tới mức, mỗi ngày có 30-40 xe tải chở lợn đổ về Cao Bằng. Thậm chí, thời điểm “nóng” có ngày lên đến 100 xe, với số lượng trên dưới 100 con/xe, tức khoảng 10.000 con/ngày.
Nắm bắt cơ hội này, nhiều người dân trên địa bàn các huyện vùng cao của tỉnh cũng đẩy mạnh đầu tư chăn nuôi lợn thịt với hy vọng “đổi đời” từ nghề nuôi lợn xuất khẩu.
Vậy nhưng, đầu năm 2017, Trung Quốc bất ngờ ngưng mua lợn qua đường chính ngạch, cũng như “đóng” các đường tiểu ngạch, đã khiến hàng loạt xe tải chở lợn phải quay đầu, nằm chờ ở gần các khu vực cửa khẩu, dẫn đến tình trạng lợn chết.
Ông Phong cũng cho biết, khi lợn bị chết, tiểu thương đã vứt dọc đường, vứt xuống sông, xuống suối. Việc vứt xác lợn chết bừa bãi này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn để lại không ít hệ lụy, nhất là việc người dân gom lợn chết đã tím tái, bốc mùi hôi thối ở ven đường về làm thịt hun khói để bán.
Tình trạng trên chỉ được ngăn chặn khi cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng tiến hành kiểm tra lò mổ của ông Sài trên địa bàn xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh vào giữa tháng 3/2017. Qua đó phát hiện 3,5 tấn thịt lợn chết đã tím tái, bốc mùi hôi thối được lưu giữ trong kho lạnh cùng 0,5 tấn thịt lợn hun khói thành phẩm.
[Bắt quả tang một cơ sở giết mổ lợn bị bệnh bán ra thị trường]
Chủ cơ sở khai nhận chuyên thu gom những con lợn chết từ các xe chở lợn qua địa bàn với giá rẻ để đưa về giết mổ. Sau đủ các công đoạn tẩm ướp gia vị, khử mùi hôi, những miếng thịt lợn chết sẽ được hun khói để biến thành thịt lợn hun khói bán ra thị trường.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cao Bằng đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh thành lập các điểm tiêu hủy, chôn lấp (16 điểm) lợn chết. Theo đó, khi xảy ra lợn chết, tiểu thương sẽ phải mang lợn đi chôn lấp tiêu hủy, việc chôn lấp này giao cho Ủy ban Nhân dân các xã giám sát.
Riêng trường hợp thu gom giết mổ lợn chết để bán, ông Phong cho biết, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý hành chính đối với chủ cơ sở giết mổ lợn chết và kỷ luật các cá nhân liên quan.
“Nhờ có các điểm chôn lấp, tiêu hủy, từ giữa năm 2017 đến nay, tình trạng tiểu thương vứt xác lợn chết ven đường, xuống sông, xuống suối đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, tình trạng này thi thoảng vẫn xảy ra, chủ yếu là ban đêm,” ông Phong thành thật.
Không có trạm kiểm soát, lợn chết vẫn xảy ra
Theo thống kế của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Bằng, hiện nay trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có khoảng trên 350.000 con lợn, chủ yếu là lợn thịt. Còn lợn ở các địa phương được các thương lái chuyển tới rất khó kiểm soát.
“Trong việc này, ngành nông nghiệp không thể đứng ra đường để tuýt còi, bắt giữ xe chở lợn được. Vì thế, nếu không có trạm kiểm soát nội địa sẽ rất khó kiểm soát việc lợn chết có được đưa đi tiêu thụ nơi khác hay không,” ông Phong chia sẻ.
[Giá thịt lợn vẫn ở mức thấp - nhiều hộ chăn nuôi dừng tái đàn]
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Bằng cũng cho biết, hiện tại tỉnh Cao Bằng vẫn đang phải đối mặt với 3 gánh nặng liên quan đến việc tồn đọng lợn thịt do việc xuất khẩu lợn gặp khó khăn, từ dó dẫn tới việc giảm giá thành, phát sinh dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.
Để giải quyết tình trạng tồn đọng lợn dẫn đến việc lợn bị chết vứt ven đường gần các khu vực cửa khẩu, cũng như giải quyết những gánh nặng nêu trên, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Bằng, việc đầu tiên là đề xuất giải pháp xuất khẩu lợn qua đường chính ngạch.
“Cùng với đó là, cần phải có trạm kiểm soát nội địa, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan. Nếu không có trạm kiểm soát nội đia, tình trạng tồn đọng lợn, vứt xác lợn chết ở trên địa bàn vẫn còn xảy ra,” ông Phong nhấn mạnh./.