Gian nan với bài toán chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ở ĐBSCL

Theo Cục Trồng trọt, trong vụ Hè Thu, ĐBSCL phải chuyển đổi 11.200ha diện tích đất lúa sang một số loại cây trồng khác do ảnh hưởng xâm nhập mặn và hạn hán.
Một diện tích trồng cây bồn bồn ở thành phố Cà Mau bị nhiễm mặn nghiêm trọng. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Trong bối cảnh xâm nhập mặn được dự báo sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như các địa phương bị ảnh hưởng triển khai rộng rãi. Thế nhưng, trên thực tế giải pháp này vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.

Với 3ha diện tích trồng lúa Đông Xuân vừa qua, hơn một nửa diện tích lúa của gia đình ông Phùng Văn Nhịn, ở ấp 2, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã bị thiệt hại do xâm nhập mặn.

Phần còn lại, ông cùng người con trai phải thay phiên bơm nước vào ruộng liên tục gần nửa tháng để cứu lúa. Tuy nhiên, năng suất của phần diện tích này cũng không đáng kể, lúa bị lép lửng khá nhiều nên thương lái không chịu mua. Gần 15 triệu đồng chi phí cho đợt sản xuất vừa qua đã không thể thu hồi.

Theo ông Phùng Văn Nhịn, với tình trạng đất lúa bị xâm nhập mặn nặng nề như hiện nay, gia đình ông chỉ biết trông chờ đến mùa mưa rồi mới tính toán phương án sản xuất. Không có nước ở kênh nên việc chuyển đổi sang trồng các loại rau màu cũng không khả thi.

“Gần ruộng lúa của gia đình tôi có một số hộ dân chuyển sang trồng cây bầu, mướp, sả… Tuy nhiên, do không có nước tưới nên chỉ có thể cầm cự đến giữa tháng Ba này. Gia đình tôi đã trồng thử nghiệm cây sả trên diện tích hơn 1.000m2 nhưng cũng bị chết cháy hết,” ông Nhịn cho biết.

Cũng trong hoàn cảnh đó, chị Đặng Thị Thùy Hương, ấp 3, xã Tân Phước cho rằng, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sang các loại rau màu khác không phải là điều dễ dàng, do chân đất đã ngập phèn. Một số hộ dân đã thử trồng dưa hấu, bắp nhưng năng suất khá thấp. Không những thế, cũng trên cánh đồng đó, hàng chục hécta diện tích trồng ớt ở huyện Gò Công Đông đang bị “bỏ phế” do không có đầu ra ổn định.

“Giá ớt trên thị trường hiện nay chỉ có khoảng 7.000 đến 10.000 đồng/kg, trong khi chi phí để thuê một công lao động đã là 100.000 đồng/người/ngày. Chỉ tính đến chi phí thu hoạch, người nông dân cũng đã bị thua lỗ mất 3.000 đồng/kg. Tính toán kiểu gì cũng lỗ, cực chẳng đã chúng tôi mới phải bỏ hoang thế này,” chị Hương cho biết.

Theo tính toán của nhiều hộ sản xuất, việc sản xuất rau màu lời hơn so với trồng lúa. Nếu trồng lúa chỉ mang lại lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng/công đất, cây rau màu có thể mang lại lợi nhuận 5-6 triệu đồng/công. Tuy nhiên, việc sản xuất rau màu vẫn ít được nông dân quan tâm do đầu ra không ổn định.

Ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết tình trạng xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên trong những năm gần đây. Địa phương đã có chủ trương vận động người dân giảm bớt một vụ lúa để chuyển sang các loại cây trồng khác.

Đồng thời, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đều tổ chức hội nghị mời các xã ven biển tập trung về bàn giải pháp, khuyến cáo lịch thời vụ, những diện tích đất nào do điều kiện xạ sớm không được chuyển vụ.

“Việc chuyển vụ ở địa phương hiện còn nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở mức vận động người dân, do vướng đầu ra. Ở địa phương vẫn chưa có doanh nghiệp nào chịu đầu tư vào lĩnh vực này nên chúng tôi chưa xác định được nên chuyển loại cây, con gì để khuyến cáo cho bà con.

Bên cạnh đó, việc sản xuất các loại cây họ đậu, bắp phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng không hấp dẫn người dân, doanh nghiệp do giá thành cao hơn so với giá nhập khẩu,” ông Trần Hoàng Bá lý giải. Tình trạng trên đang xảy ra ở nhiều địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ, việc chuyển đổi cây trồng đang gặp nhiều khó khăn do diện tích trồng không tập trung. Điều này sẽ khó có thể chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như không thể tạo thành vùng sản xuất đồng bộ để tạo ra sản lượng đủ để phục vụ yêu cầu thu mua của doanh nghiệp.

Đánh giá những khó khăn trong việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định do đầu ra sản phẩm còn bấp bênh, sản xuất nhỏ lẻ, không có người thu mua, cộng thêm với công nghệ sấy và chế biến sau thu hoạch chưa được quan tâm. Do đó, mặc dù các tỉnh đã quy hoạch được nhiều vùng chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa nhưng vẫn có một số tỉnh không thể thực hiện được.

Đến thời điểm hiện nay, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến hàng chục ngàn hécta diện tích trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều diện tích đất lúa buộc phải chuyển đổi cây trồng trong mùa vụ tới.

Theo Cục Trồng trọt, trong vụ Hè Thu, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải chuyển đổi 11.200ha diện tích đất lúa sang một số loại cây trồng khác do ảnh hưởng của xâm nhập mặn và hạn hán. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các tỉnh đang gặp nhiều khó khăn về nước sản xuất như Tiền Giang với 4.000ha, Vĩnh Long là 3.000ha, Hậu Giang với 1.300ha…

Trong bối cảnh nền sản xuất nông nghiệp có khả năng sẽ còn bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, nhiều diện tích trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long phải chuyển đổi cây trồng.

Rõ ràng, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương các tỉnh cần phải có các phương án sản xuất cụ thể, hiệu quả và gắn với thị trường, từ đó mới khuyến cáo cho nông dân thay vì chỉ nói chung chung và đề nghị người dân cắt vụ, chuyển đổi cây trồng, sử dụng nước tiết kiệm… như hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục