Đối với nhiều phụ huynh khi biết con mắc chứng tự kỷ họ xem như là dấu chấm hết. Nhưng thực chất nếu có phương pháp dạy, trẻ tự kỷ vẫn có thể hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống như người bình thường.
Thế nhưng, ở Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, việc dạy học cho trẻ tự kỷ còn bị bỏ ngỏ chưa được xã hội quan tâm.
Thiếu trường lớp
Khi trẻ được chẩn đoán “tự kỷ” mặc dù vẫn lành lặn về thể chất nhưng lại bị rối loạn phát triển các mặt: khiếm khuyết về nhận thức, rối loạn cảm giác, gặp khó khăn trong quan hệ giao tiếp với mọi người, chậm phát triển ngôn ngữ, biểu hiện các hành vi bất thường… Do vậy, trẻ tự kỷ cần được chăm sóc và dạy dỗ ở những trường lớp riêng với những phương pháp đặc biệt. Điều đó cho thấy, việc mở trường lớp dạy trẻ tự kỷ là nhu cầu có thực và hết sức cần thiết.
Thế nhưng, không có một trường lớp nào dành riêng cho trẻ tự kỷ, các bậc phụ huynh có con em bị tự kỷ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tự lên chương trình chăm sóc con tại nhà hoặc đưa con đến các cơ sở tư nhân dù học phí đắt đỏ. Bà Phạm Thị Dịu, quê ở Tây Ninh, 57 tuổi đang nuôi cháu bị tử kỷ là Lê Ngọc Bảo Linh, 4 tuổi, chia sẻ: năm hai tuổi Linh được phát hiện bị mắc hội chứng tự kỷ.
Vì ở Tây Ninh chưa có trường nào nhận dạy trẻ tự kỷ nên Linh phải ở nhà hơn một năm. Mãi đến ba tuổi rưỡi, Linh mới được gia đình đưa lên Thành phố Hồ Chí Minh tìm trường học. Do không tìm thấy trường công lập nào dạy trẻ tự kỷ nên gia đình đành gửi Linh vào học tại một cơ sở tư nhân chuyên dạy trẻ tự kỷ. Học phí một tháng là 9,5 triệu, tiền thuê trọ 2,5 triệu thêm tiền sữa, tiền bà cháu ăn uống như vậy một tháng gia đình phải bỏ ra 15 triệu đồng. Đây là một số tiền không nhỏ đối với gia đình.
Bởi ba mẹ Linh ở Tây Ninh cũng không có công việc ổn định, phải làm thuê nay đây mai đó chắt chiu từng đồng lo cho Linh. Có lúc vì hết tiền, hai bà cháu phải khăn gói về Tây Ninh đến khi vay được tiền mới đưa Linh quay lại trường.
Theo quy định của ngành giáo dục, các trường mầm non, tiểu học công lập phải nhận trẻ tự kỷ nhẹ nhưng số trường nhận trẻ tự kỷ vào học rất hiếm. Hầu hết các trường đều viện ra nhiều lý do để không nhận trẻ tự kỷ.
Chia sẻ về điều này bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tự kỷ là một căn bệnh của xã hội nhưng cho đến nay, chưa có một trường học nào dành riêng cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ.
Hiện tại, thành phố có 26 trường khuyết tật chuyên biệt, 500 trường nhận trẻ học hòa nhập cộng đồng và trẻ tự kỷ được học chung với với các trẻ chuyên biệt, trẻ chậm phát triển ở những trường này. Trên thực tế, thành phố vẫn có một số cơ sở dạy học tư nhân dành riêng cho trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, đa số những cơ sở này được mở chủ yếu là của các cơ sở có con bị tự kỷ. Nghĩa là trải qua một thời gian dạy con mình, họ tự mở cơ sở thu nhận trẻ tự kỷ và dạy theo giáo trình của riêng họ.
Khó quản lý chất lượng
Tuy tại thành phố đã có một số cơ sở chuyên dạy trẻ tự kỷ nhưng việc quản lý các cơ sở dạy trẻ tự kỷ hiện nay, vẫn chưa được quan tâm. Thực tế, không có một giáo trình giáo dục nào chung cho trẻ tự kỷ. Mỗi một trẻ bị tự kỷ sẽ có những cách chăm sóc và dạy học khác nhau tùy theo mức độ nặng nhẹ cũng như lĩnh vực rối loạn phát triển (có trẻ sẽ bị rối loạn ngôn ngữ, trẻ khá rối loạn giao tiếp…). Vì vậy, rất khó để quản lý chất lượng dạy học ở các cơ sở dạy trẻ tự kỷ.
Theo tiến sỹ Ngô Xuân Điệp, Trưởng Khoa Tâm lý học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, hiện chỉ có thể kiểm tra các cơ sở dạy trẻ tự kỷ về mặt hành chính, quy mô, cơ sở vật chất, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo đảm an ninh còn kiểm tra về chương trình dạy chuyên sâu của các cơ sở này rất khó. Và ngay cả khi giám sát được chương trình dạy học cũng không thể đánh giá hết được hiệu quả của các chương trình này. Vì để kiểm tra chương trình dạy học cho trẻ tự kỷ, người kiểm tra cũng phải là người am hiểu lĩnh vực này.
Chẳng hạn, trong chương trình dạy trẻ tự kỷ có phương pháp communication picture - đây là phương pháp dạy giao tiếp qua hình ảnh. Người kiểm tra phải nắm rõ quy trình dạy của phương pháp này như thế nào mới có thể đánh giá được cơ sở đó có dạy đúng quy trình hay không?. Trong khi đó, ngành giáo dục còn thiếu đội ngũ làm công tác quản lý là chuyên gia về trẻ tự kỷ.
Bên cạnh đó, không phải cơ sở tư nhân nào cũng có đủ giáo viên là những chuyên gia về trẻ tự kỷ.
Cũng theo ông Ngô Xuân Điệp, ở nước ngoài, giáo viên có trình độ thạc sỹ trở lên mới được đứng lớp dạy trẻ tự kỷ. Bởi muốn can thiệp sâu vào việc chăm sóc và dạy trẻ tự kỷ, các chuyên gia về trẻ tự kỷ cần phải học thạc sỹ chuyên sâu về giáo dục đặc biệt. Trong khi đó, ở Việt Nam, sinh viên chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng, đại học ngành mầm non, ngành tâm lý hay ngành công tác xã hội là đã có thể dạy trẻ tự kỷ. Hiện chưa có quy định nào yêu cầu giáo viên dạy trẻ tự kỷ phải là những chuyên gia về giáo dục đặc biệt.
Cần sự phối hợp của xã hội
Muốn giúp trẻ tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng, cả gia đình, nhà trường, ngành y tế, giáo dục và xã hội phải đồng lòng cùng chung tay giúp sức.
Theo các chuyên gia về trẻ tự kỷ, trẻ tự kỷ có thể hòa nhập cộng đồng nếu được phát hiện và can thiệp sớm. Thời điểm “vàng” đó là khi trẻ được một tuổi rưỡi đến hai tuổi - trong khoảng thời gian này nếu được can thiệp thì khả năng sớm hòa nhập cộng đồng càng cao. Muốn làm được được điều này đòi hỏi gia đình phải sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường của trẻ như đã một tuổi mà không biết chỉ ngón tay trỏ, gọi không nghe, không nhìn theo hướng chỉ tay của người khác, chậm nói, thích chơi với một bộ phận của đồ chơi nhất là bánh xe ôtô…
Khi thấy trẻ có dấu hiện bất thường gia đình cần đưa trẻ tới các bệnh viện để được bác sỹ khám và chẩn đoán bệnh.
Về trách nhiệm của bác sỹ, từ lúc mới sinh cho đến khi hai tuổi, bác sỹ là người thường xuyên tiếp xúc với trẻ nhưng hầu hết 90% bác sỹ không nhận ra trẻ có dấu hiệu bị tự kỷ hay không. Trong khi đó, tiêu chuẩn đoán trẻ tự kỷ nằm trong DSM (4) - Sách chuẩn đoán và thống kế và ICD 10 - Bảng phân loại bệnh Quốc tế. Đây là hai hệ thống phân loại bệnh tâm thần được sử dụng rộng rãi mà bác sỹ nào cũng phải nắm kỹ nhất là bác sỹ chuyên khoa nhi.
Ông Ngô Xuân Điệp chia sẻ: Phải có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành y tế-giáo dục-phụ huynh và quan trọng phải đào tạo được đội ngũ bác sỹ có khả năng nhận biết các dấu hiệu của hội chứng tự kỷ.
Thời gian tới, ngành y tế sẽ mở rộng mô hình Bác sỹ gia đình tới tận các cơ sở y tế phường, xã. Như vậy, cũng cần trang bị kiến thức về hội chứng tự kỷ cho các bác sỹ ở mô hình này để họ làm tốt công tác sàng lọc trẻ bị tự kỷ nhằm giúp trẻ mắc hội chứng này sớm được can thiệp.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ có trình độ chuyên môn để dạy trẻ tự kỷ cũng như khuyến khích các giáo viên thường xuyên tiếp cận những phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ từ các nước mạnh về lĩnh vực này./.