Gian nan “ngoại giao Thế vận hội” của nước chủ nhà Nhật Bản

Với chỉ 15 lãnh đạo quốc gia và các tổ chức quốc tế đến Nhật Bản dự Olympic Tokyo 2020 , “ngoại giao Thế vận hội” của Thủ tướng Suga có phần kém ý nghĩa hơn so với Thế vận hội London (80 lãnh đạo).
Vòng tròn Olympic tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 22/7/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Vòng tròn Olympic tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 22/7/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng news24.jp (Nhật Bản), “ngoại giao Thế vận hội” của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cuối cũng đã được khởi động với một loạt chương trình tiếp đón các quan chức nước ngoài đến Nhật Bản dịp diễn ra Thế vận hội Tokyo 2020.

Lãnh đạo của khoảng 15 quốc gia và các tổ chức quốc tế tới Nhật Bản để tham dự lễ khai mạc Thế vận hội trong ngày 23/7, trong đó có Đệ nhất phu nhân Tổng thống Mỹ Jill Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Các cuộc tiếp kiến, hội đàm được thực hiện từ này 22-24/7.

Đặc trưng của “ngoại giao Thế vận hội” là các cuộc hội đàm, hội kiến ngắn theo kiểu “chạy maraton” giữa lãnh đạo nước chủ nhà với lãnh đạo mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, với chỉ 15 lãnh đạo quốc gia và các tổ chức quốc tế đến Nhật Bản lần này, “ngoại giao Thế vận hội” của Thủ tướng Suga có phần kém ý nghĩa hơn so với Thế vận hội London (với 80 lãnh đạo và Thế vận hội Rio de Janeiro (40 lãnh đạo).

Theo một quan chức của Bộ ngoại giao Nhật Bản, tính đến cuối năm ngoái, có khoảng 100 lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế lên kế hoạch dự lễ khai mạc Thế vận hội Tokyo, nhưng con số này đã giảm xuống 50 vào tháng 6/2021 và chỉ còn 15 tính đến ngày khai mạc.

Nguyên nhân là do các quy định chặt chẽ của nước chủ nhà Nhật Bản nhằm tránh sự lây lan của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia lo ngại khi thấy dịch COVID-19 tại thủ đô Tokyo diễn biến phức tạp, buộc chính phủ nước này phải ban bố tình trạng khẩn cấp đến hết Thế vận hội.

[Thủ tướng Nhật Bản: Olympic Tokyo sẽ diễn ra thành công bất chấp COVID]

Quy định của Nhật Bản đối với đoàn lãnh đạo các nước bao gồm nhiều điều khoản khắt khe như hạn chế số lượng thành viên của đoàn là dưới 12 người, sử dụng phương tiện chuyên dụng để di chuyển, nếu thăm địa phương phải thuê riêng một tàu cao tốc Shinkansen.

Kết quả là nhiều đoàn lãnh đạo nước ngoài không thể đáp ứng được các điều kiện đó, buộc phải hủy kế hoạch đến Nhật Bản.

Chuyến thăm được chờ đợi nhất dường như là dành cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Trước lễ khai mạc Thế vận hội 1 tuần, có nhiều thông tin cho biết Tổng thống Moon Jae-in sẽ thăm Nhật Bản và hội đàm cấp cao với Thủ tướng Suga, song điều này đã không thể trở thành hiện thực.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, việc đàm phán giữa cơ quan chức năng hai nước cho chuyến thăm này đã được hai bên thúc đẩy. Tất nhiên, hai bên đều không đặt kỳ vọng sẽ đạt được tiến triển thực chất nào trong các vấn đề tồn tại của quan hệ song phương như vấn đề “phụ nữ mua vui,” “lao động thời chiến,” mà đơn giản chỉ là những nghi thức ngoại giao.

Tuy nhiên, phía Hàn Quốc dường như đã đưa ra những yêu cầu quá cao về mặt hậu cần và nghi lễ. Ví dụ, yêu cầu phải bố trí thời gian hội đàm cấp cao với thời gian tương đương thời gian hội đàm với tổng thống Pháp, bố trí một bữa ăn tối riêng giữa Thủ tướng Suga và Tổng thống Moon Jae-in.

Hai bên cuối cùng không tìm được tiếng nói chung và chuyến thăm đã bị hủy vào phút chót.

“Ngoại giao Thế vận hội” của Nhật Bản chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19 nhưng vẫn có thể nói là chấp nhận được nếu nhìn sang Thế vận hội mùa Đông dự kiến sẽ diễn ra tại Bắc Kinh vào đầu năm 2022.

Ngay từ bây giờ, đã xuất hiện lời kêu gọi - chủ yếu đến từ Mỹ và một số nước châu Âu- tẩy chay thế vận hội này hoặc “tẩy chay ngoại giao” với lý do Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Khu Tự trị Tân Cương và Đặc khu hành chính Hong Kong.

“Tẩy chay ngoại giao” có nhiều khả năng xảy ra nhất, có nghĩa là các nước vẫn cử đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa Đông như thường lệ, nhưng các nhà lãnh đạo hoặc quan chức cấp bộ trưởng sẽ từ chối lời mời của nước chủ nhà.

Tham gia hay không tham gia “tẩy chay ngoại giao” sẽ là lựa chọn khó khăn đối với Nhật Bản trong bối cảnh chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn đang bỏ ngỏ từ năm ngoái vì dịch COVID-19, trong khi năm 2022 là dịp kỷ niệm tròn 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Trung-Nhật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục