Gian nan cuộc chiến chống nội dung nhảm nhí, xấu độc trên mạng xã hội

Trước thực trạng “rác văn hóa” tràn lan trên mạng xã hội, các chuyên gia cho rằng giải pháp cốt lõi là tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, gắn văn hóa với giáo dục.
Nhiều người đang sử dụng nội dung nhảm nhí để gây chú ý trên mạng xã hội, nhằm thu hút quảng cáo kiếm tiền. (Ảnh minh họa: AFP)

Thời gian gần đây, hiện tượng “rác văn hóa” trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan khiến dư luận “dậy sóng.” Cụ thể là kênh TikTok "Nờ Ô Nô" (Phạm Đức Tuấn) với nội dung nhảm nhí đã bị khóa tài khoản vĩnh viễn.

Trước đó, đã có nhiều trang mạng bị cộng đồng lên án và cơ quan chức năng “tuýt còi” như Thơ Nguyễn, Timmy TV… song những nội dung phản cảm vẫn liên tục xuất hiện. Phải chăng việc quản lý các nội dung xấu trên các nền tảng mạng xã hội vẫn là câu chuyện chưa được giải quyết dứt điểm?

Cần xiết chặt bộ lọc thông tin

Có thể nói rằng TikTok hiện đang “tăng trưởng nóng,” là một trong những nền tảng được người trẻ sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Ngoài TikTok, mạng xã hội vẫn còn vô số những "hạt sạn" khác trên các nền tảng YouTube, Facebook… Mạng xã hội càng phổ biến thì mặt trái của nó, tức các nội dung xấu độc càng có “sức sát thương” đối với đời sống văn hóa tinh thần.

Trước vấn đề này, nghệ sỹ nhân dân Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho công nghệ, để thiết lập một bức “tường lửa” mạnh mẽ hơn, một “màng lọc” với những “mắt lưới” nhỏ hơn để không bỏ lọt những “hạt sạn” lớn.

“Những vụ việc được cả xã hội quan tâm như 'Nờ Ô Nô' hay video ca nhạc gây tranh cãi của ca sỹ Sơn Tùng M-TP chỉ là bề nổi, trong khi vẫn còn hàng ngàn những nội dung phản cảm khác đang âm thầm trôi trên mạng,” ông Phạm Ngọc Khôi bày tỏ sự lo ngại.

Nghệ sỹ nhân dân Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh việc đầu tư cho công nghệ, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam cũng đề xuất cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh hơn để quản lý và ngăn chặn tác động tiêu cực từ nội dung xấu độc trên không gian mạng bởi hiện nay, người dùng mạng xã hội có thể tự do đăng tải các nội dung lên mạng, trong số đó có những thông điệp tiêu cực, hình ảnh trái với thuần phong mỹ tục.

Tiến sỹ Đặng Thị Diệu Trang, Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam) cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng mạng xã hội hiện còn tồn tại nhiều hành vi lệch chuẩn về đạo đức, văn hóa, ví dụ như thái độ vô cảm, thiếu tính nhân văn, xâm phạm đời sống riêng tư...

Vì vậy, theo tiến sỹ Đặng Thị Diệu Trang, sự kết hợp giữa chuẩn mực pháp lý và chuẩn mực đạo đức cần được đặt song hành để bảo đảm tính hiệu quả trong an ninh, an toàn trên mạng xã hội nói riêng và đời sống xã hội nói chung.

[Bộ quy tắc ứng xử: 'Thể chế mềm' để giữ gìn môi trường số trong sạch]

“Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử mạng xã hội với mục đích xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở một góc độ nhất định, giá trị chuẩn mực chỉ thực sự có ý nghĩa khi các cá nhân nhận thấy hành vi của họ sẽ dẫn đến một số tác hại xã hội và có thể sẽ bị truy cứu về pháp lý,” bà Đặng Thị Diệu Trang nhận định.

Lấy giáo dục làm gốc

Trước thực trạng “rác văn hóa” tràn lan trên mạng xã hội, các chuyên gia cho rằng giải pháp cốt lõi là tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, gắn văn hóa với giáo dục và phải thực hiện điều này ngay từ trong các trường học.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nhấn mạnh vai trò của giáo dục nâng cao nhận thức người dùng mạng xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhà phê bình Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục: “Những học sinh ngồi trên ghế nhà trường hôm nay sẽ là những người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội trong tương lai. Do đó, việc giáo dục cho các em biết điều gì nên và không nên làm là vô cùng cần thiết.”

Để làm được như vậy, nhà phê bình Nguyễn Quang Long cho rằng cần sự chung tay của các cấp, cần triển khai giải pháp đồng bộ, thử nghiệm thực tế từng giai đoạn.

“Xã hội ảo đang phát triển song hành với đời sống thực. Đó là xu thế không thể đảo ngược, vậy chúng ta phải nghiên cứu khai thác sự ưu việt của môi trường số và loại bỏ những nội dung xấu, thúc đẩy sự phát triển của xã hội hiện đại,” ông Nguyễn Quang Long đề xuất.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, việc tuyên truyền, giáo dục về chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục cũng đã được đề cập đến tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” diễn ra 29/11 vừa qua.

“Việc người dùng mạng xã hội biết sàng lọc nội dung, loại bỏ những clip thiếu văn hóa, dung tục, làm sạch môi trường mạng cũng chính là nỗ lực để xây dựng và phát triển hệ giá trị con người Việt Nam như chủ đề hội thảo đã nêu lên,” ông Nguyễn Quang Long chia sẻ.

Về phía cơ quan quản lý, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, chia sẻ một giải pháp là xây dựng "blacklist" (danh sách đen) trong lĩnh vực quảng cáo. Danh sách này sẽ bao gồm các website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng vi phạm Luật An ninh mạng, Luật Sở hữu trí tuệ, nội dung nhảm nhí, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, để các nhãn hàng tránh đặt quảng cáo. Đơn vị nào còn quảng cáo trên đó là vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt theo quy định.

Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt nếu hợp tác quảng cáo với các kênh vi phạm pháp luật. (Ảnh minh họa cắt từ clip của Nờ Ô Nô)

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng xây dựng "whitelist" (danh sách trắng) gồm báo, tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động; các website, tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng có đăng ký thông tin và được xác nhận.

Đại diện Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết việc này sẽ được thực hiện từ đầu năm 2023./.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung tâm An toàn không gian mạng quốc gia đang hoạt động tích cực trong việc phát hiện sớm các thông tin xấu độc, sai sự thật. Khả năng xử lý của trung tâm này là 300 triệu tin/ngày.

Hiện nay, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube đã đáp ứng 90-95% yêu cầu của cơ quan nhà nước về xử lý thông tin sai sự thật, xấu độc.

Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm có nội dung độc hại như: Hội những người vỡ nợ thích làm liều, Hội những người muốn tự tử, Hội đồng phê... YouTube đã chặn 6 kênh YouTube phản động (có khoảng hơn 1.500 video clip), không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục