Gian lận về kinh doanh xăng dầu: Thêm chế tài để ngăn chặn vi phạm

Dự kiến tháng 12/2019, Chính phủ sẽ ban hành nghị định mới quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu và sửa đổi nghị định 83/CP về kinh doanh mặt hàng này.
Tọa đàm về gian lận xăng dầu do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Xăng giả, xăng kém chất lượng có chiều hướng diễn biến phức tạp và gia tăng trong thời gian qua. Mặc dù nhiều vụ việc lớn bị đưa ra ánh sáng nhưng vì lợi nhuận cộng với chế tài còn chưa đủ sức răn đe nên nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn nhắm mắt làm liều.

Đây cũng là nội dung chính của tọa đàm “Xăng dầu giả, thiệt hại thật” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 29/11.

[Nhóm nhân viên gian lận ở cửa hàng xăng Trần Khát Chân lĩnh án tù]

Len lỏi tới các cửa hàng nhỏ lẻ

Điểm lại những vụ việc gần đây, theo ông Nguyễn Anh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, khâu phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất chính là việc bán lẻ, Theo đó, ở thành phố lớn kiểm tra chặt thì xác xuất gian lận thấp nhưng vùng sâu xa thì rất khó quản lý.

"Tôi cho rằng căn nguyên là từ việc quản lý hệ thống, ở đây có sự phối hợp của các doanh nghiệp phân phối, của cả quản lý chất lượng,” đại diện PVOil nêu ý kiến.

Liên quan đến xăng dầu kém chất lượng, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết có nhiều trường hợp 50% mẫu xăng RON95 và gần 100% xăng E5 ở một vài cửa hàng không đạt kết quả theo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Tuy vậy, những hành vi vi phạm liên quan đến xăng dầu kém chất lượng thường xảy ra ngoài hệ thống phân phối chính thức. Thậm chí nhiều đại lý vẫn kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực.

Thống kê của lực lượng quản lý thị trường từ đầu năm 2018 đến nay đã xử lý vi phạm hơn 1.000 vụ việc, tước 37 giấy phép kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp.

Một cây xăng trên địa bàn Hà Nội bị phát hiện có hành vi gian lận khi bán cho khách hàng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sẽ có thêm chế tài để ngăn chặn vi phạm

Theo quy định hiện nay, việc nhập khẩu xăng dầu chính ngạch, xăng dầu sản xuất trong nước phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia mới được lưu thông trên thị trường.

Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và công nghệ), cho biết với xăng dầu lưu thông sẽ phải kiểm tra theo quy định, đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình nhập khẩu, đưa lưu kho từ thương nhân phân phối đến đại lý, tổng đại lý… từ đó cơ quan quản lý tiến hành thanh kiểm tra đột xuất.

Đại diện Cục Quản lý sản phẩm hàng hóa cũng bác bỏ thông tin cho rằng xăng sinh học E5 là thủ phạm của những vụ việc phương tiện giao thông cháy nổ đồng thời cho hay thời gian tới, cơ quan này sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất để ngăn ngừa các vi phạm.

Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, ông Bùi Minh Tiến-Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, đề xuất các lực lượng chức năng cần quyết liệt mới nâng cao được công tác chống buôn lậu xăng dầu, từ tuyến biên giới, ngoài biển đến vào sâu trong đất liền.

“Phải tăng cường thông tin, phát động quần chúng nhân dân chủ động, mạnh dạn tố giác những đối tượng như cửa hàng xăng dầu nghi vấn qua đường dây nóng của lực lượng quản lý thị trường,” ông Tiến nói.

Với thức tế hiện nay, ông Trần Hữu Linh thông tin thêm: Dự kiến tháng 12/2019, Chính phủ sẽ ban hành nghị định mới quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 83/CP về kinh doanh xăng dầu.

“Những chính sách mới trên được kỳ vọng là công cụ đủ mạnh để răn đe và hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại về xăng dầu trong thời gian tới,” lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục