Gian lận thi THPT tại Sơn La: Có thể buộc thôi học khi đã đỗ đại học

Việc mất phiếu trả lời trắc nghiệm gốc đang khiến cho khâu xác định điểm chính xác các môn thi trắc nghiệm của những thí sinh có bài thi bị sửa chữa tại Sơn La gặp rất nhiều khó khăn.
Thoí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Việc mất phiếu trả lời trắc nghiệm gốc đang khiến cho khâu xác định điểm chính xác các môn thi trắc nghiệm của những thí sinh có bài thi bị sửa chữa tại Hội đồng thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 tỉnh Sơn La gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tạm thời vẫn công nhận điểm thi đã công bố của thí sinh để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là nếu sau khi thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học mới xác định cụ thể được sai phạm thì sẽ xử lý như thế nào?

[Gian lận thi THPT tại Sơn La: Quá tinh vi, gây khó khăn trong điều tra]

Trả lời về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đang phối hợp với Bộ Công an để điều tra vụ việc này.

“Trong quy chế thi và quy chế tuyển sinh đã quy định rất rõ đối với các trường hợp phát hiện gian lận trong thi cử thì phải có hình thức kỷ luật kết hợp với các quy định hiện hành để xử lý. Đối với các sinh viên đã và đang học tại các trường đại học mà bị phát hiện gian lận điểm thi sẽ bị xử lý kỷ luật, hình thức cao nhất là buộc thôi học,” ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, ngoài các địa phương có sai phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo có tổ chức chấm thẩm định bài thi tại một số nơi. Hiện các sở giáo dục và đào tạo cũng đang tổ chức chấm phúc khảo bài thi cho thí sinh.

“Tuy nhiên, việc cập nhật lại điểm (nếu có) không ảnh hưởng đến công tác xét tuyển đại học trên cả nước,” ông Tuấn cho biết.

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc chấm thẩm định là việc làm thường xuyên hàng năm, theo đúng quy trình tổ chức thi, để kiểm tra công tác chấm thi tại các địa phương.

Kết quả chấm thẩm định tại một số nơi cũng như Lâm Đồng, Bến Tre, Hòa Bình cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố là không có sai lệch so với kết quả chấm thi ban đầu.

“Thí sinh yên tâm và tiếp tục thực hiện các bước điều chỉnh nguyện vọng trong thời gian tới. Các em cần nghiên cứu kỹ để lựa chọn ngành nghề yêu thích và phù hợp với mức điểm mà mình đã đạt được. Đây là việc quan trọng, quyết định tương lai của các em, vì vậy thí sinh cần thực hiện đầy đủ và chính xác các bước trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển,” ông Tuấn nói.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục