Giãn cách xã hội chống dịch: Chính phủ quyết liệt, toàn dân đồng lòng

Kiểm soát dịch COVID-19 bằng biện pháp giãn cách xã hội theo cCỉ thị 16 là lựa chọn tốt nhất nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh khi nhân loại vẫn chưa nghiên cứu được vắcxin điều trị.
Tại những khu chợ dân sinh ở Hà Nội, đường phố được kẻ vạch sơn, quy định khoảng cách giữa người mua và người bán. (Ảnh: Minh Quyết - TTXVN)

Thế giới đang trải qua những tháng ngày vô cùng gian khó trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2.

Với quyết tâm bảo vệ sức khỏe cho nhân dân bằng mọi giá, Việt Nam đã đưa ra nhiều kịch bản ứng phó phù hợp cho từng giai đoạn, và cách ly toàn xã hội đang được coi là lựa chọn tối ưu trong thời điểm hiện tại.

Sau hai tuần thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy, việc kiểm soát sự lây lan của bệnh dịch trong cộng đồng đã được cải thiện rõ rệt so với trước đây.

Nhiều chuyên gia, chính quyền cơ sở và người dân đánh giá cao hiệu quả của việc giãn cách xã hội và cho rằng cần tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được.

Chỉ đạo quyết liệt và kịp thời

Ngày 1/4, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 16 yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh... nhằm giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh.

Đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa việc lây nhiễm ra cộng đồng, nếu không cương quyết, hậu quả sẽ khôn lường đối với sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cách ly xã hội không phải ngăn cấm giao thông, phong tỏa xã hội, mà vẫn duy trì hàng hóa lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường.

Bên trong phố được dán những thông báo, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Quyết định đúng đắn và kịp thời đó đã phát huy tác dụng khi những ca nhiễm mới đã giảm rõ rệt so với trước đây. Theo ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, 2 tuần giãn cách xã hội là khoảng thời gian để giảm tối đa các chỉ số di chuyển của xã hội, cắt đứt chuỗi lây lan của dịch bệnh.

Ngày 8/4 đánh dấu lần đầu tiên đảo chiều tương quan giữa số ca khỏi bệnh (50,2%) so với số ca đang nhiễm bệnh (49,8%).

Tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh đến ngày 14/4 đã đạt 163 ca, đạt 61%. Cụ thể, tỷ lệ mới mắc trong vòng 10 ngày sau khi thực hiện Chỉ thị 16 giảm xuống nhanh và rõ rệt so với 10 ngày trước đó, từ 82% xuống còn 25%.

Bệnh viện Bạch Mai được coi là ổ dịch lớn nhất cả nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm khiến toàn dân lo lắng, thì nay đã trở nên an toàn sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ.

[Không nới lỏng các quy định khi COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ bùng phát]

Những kết quả đó cho thấy việc cách ly xã hội chính là lựa chọn tốt nhất nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh khi nhân loại vẫn chưa nghiên cứu được vắc-xin điều trị, đúng như nhận định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Đây là phương pháp khoa học và hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay.

Thành quả có được trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế chú ý và đánh giá cao.

Trong bài phân tích về chiến lược phòng, chống dịch bệnh ở Việt Nam, Trưởng Văn phòng đại diện Viện Konrad-Adenauer Stiftung (KAS) tại Việt Nam Peter Girke cho rằng, chìa khóa thành công nằm ở hành động sớm và kiên quyết của Chính phủ, các cơ quan chức năng và cả nhân dân.

Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng tham gia chống dịch...

Trang The Strategist của Mỹ đánh giá Việt Nam rất chú trọng vào công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về tác hại của dịch bệnh, trong khi công dân tự nguyện chia sẻ thông tin y tế cá nhân thông qua một ứng dụng do Chính phủ đề xuất với tên gọi NCovi và chính quyền tích cực tương tác với nhân dân thông qua mạng xã hội.

Nhiều chuyên gia ở các tổ chức quốc tế nhận xét, trong lịch sử phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm khi chiến đấu thành công với những căn bệnh tử thần.

Việt Nam đã chủ động bảo vệ người dân trước dịch bệnh khi sớm đưa ra một số sáng kiến và kịch bản ứng phó theo từng giai đoạn và nhận được sự hợp tác hiệu quả từ người dân.

Toàn dân đồng lòng

Có thể thấy, một trong những yếu tố khiến phương án cách ly xã hội hiệu quả là nhờ niềm tin của người dân trong việc tuân thủ các biện pháp của Chính phủ.

Trong vòng 15 ngày qua, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chính quyền cơ sở tập trung vào công tác giám sát, vận động người dân hạn chế ra đường, tụ tập đông người; tạm thời dừng các hoạt động vui chơi giải trí, kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu...

Đánh giá cao phương án cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ, ông Trần Trung Tuyển, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, biện pháp đầu tiên mà địa phương này áp dụng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện cách ly, giãn cách xã hội trong phòng chống đại dịch COVID-19, các chế tài xử lý nghiêm nếu không tuân thủ.

Bãi biển trung tâm Nha Trang không một bóng người trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả, Ủy ban Nhân dân phường đã thành lập 24 tổ tuyên truyền tại 24 tổ dân phố, 9 chốt tại các khu vực trọng điểm như cổng Công viên Hòa Bình, các chợ dân sinh trên địa bàn...

Các chốt này có nhiệm vụ tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân trong việc chấp hành, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng và hiện đang hoạt động rất hiệu quả.

Theo ông Tuyển, việc cách ly xã hội rất quan trọng, góp phần khống chế, giảm thiểu tối đa sự lây lan trong cộng đồng và được đa số người dân đồng tình, ủng hộ. Một bộ phận rất nhỏ người dân chủ quan, thiếu ý thức, đã bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Cho rằng việc cách ly xã hội là rất cần thiết để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai (Hà Nội) Nguyễn Quang Hiếu đã yêu cầu tất cả lực lượng chức năng trên địa bàn phải xác định, công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm.

Là địa bàn có tới hơn 3.000 người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, cần được theo dõi, cách ly, lãnh đạo quận Hoàng Mai khẳng định sẽ xử lý nghiêm những cán bộ để xảy ra sai sót trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 16.

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, việc cách ly xã hội đang phát huy hiệu quả tích cực, ngăn chặn tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Nhiều người dân bày tỏ đồng tình với việc cách ly xã hội và cho rằng, bảo đảm khoảng cách an toàn là biện pháp hữu hiệu nhất trong thời điểm hiện tại, giúp Việt Nam kiểm soát tốt sự lây lan của dịch bệnh.

Ông Nguyễn Phú Phúc, ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội, cho rằng trong lúc này, việc tuân thủ các Chỉ thị, khuyến cáo của Chính phủ, Bộ Y tế là cách duy nhất để chung tay cùng chính quyền, chia sẻ với sự hy sinh thầm lặng của các y, bác sĩ, những người trực tiếp làm việc ở tuyến đầu phòng, chống dịch...

Là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khẳng định sẵn sàng tuân thủ việc giãn cách xã hội, vì mục tiêu chung của cả nước là đẩy lùi dịch bệnh.

Anh Trần Trọng Hiển, chủ chuỗi nhà hàng Chef's BBQ trên địa bàn phường Xuân La, quận Tây Hồ, cho hay anh vừa đầu tư khai trương thêm cơ sở mới với kinh phí rất lớn thì dịch xuất hiện.

Anh buộc phải đóng cửa các cơ sở, trong khi chi phí mặt bằng vẫn phải thanh toán hàng tháng là tổn thất rất nặng nề đối với người làm kinh doanh. Dù vậy, anh Hiển cho biết sẽ chấp hành mọi quy định của chính quyền, chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt để đạt mục đích lâu dài là bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội.

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là

Ông Nguyễn Xuân Trung, Trưởng phòng Y tế quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho hay đây là lần đầu tiên Việt Nam đối diện với loại virus nguy hiểm này nên còn nhiều vướng mắc trong khâu thực hiện.

Với quyết tâm không để dịch bệnh bùng phát, quận Hoàng Mai chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phòng hộ, hóa chất, thuốc men, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Theo ông Trung, việc triển khai công tác xét nghiệm trên diện rộng, quyết định giãn cách xã hội được Chính phủ đưa ra đã làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng và ngày càng làm cho bức tranh phòng, chống dịch COVID-19 sáng sủa hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần tiếp tục duy trì các giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Trung tá Vũ Tiến Đạt, Trưởng Công an phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai cho rằng, việc tụ tập đông người là thói quen của người dân, muốn ngăn ngừa sự bùng phát của dịch bệnh thì cách ly xã hội là hết sức cần thiết.

Theo Trung tá Vũ Tiến Đạt, thời gian đầu, đa số người dân chấp hành nghiêm chỉnh, nhưng gần đây có dấu hiệu chủ quan khi lượng người đổ ra đường nhiều hơn, rất nguy hiểm; cần nghiên cứu, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, đồng thời bổ sung những chế tài xử phạt cụ thể, quyết liệt hơn để có hiệu quả lâu dài.

[Nghiêm trị những hành vi vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19]

Trong cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, dù diễn biến dịch bệnh trong nước đang có những dấu hiệu khả quan, nhưng không được chủ quan, lơ là, bởi thực tế trong nước đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các cơ quan truyền thông cần tiếp tục tuyên truyền để người dân tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội; nâng cao ý thức phòng bệnh cho mình cũng là phòng bệnh cho cộng đồng.

Đồng thời, báo chí cần lên án mạnh mẽ những hành vi sai trái, dẹp bỏ tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận xã hội; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch… để các lực lượng trên tuyến đầu yên tâm dành thời gian, sức lực cho công tác phòng, chống đại dịch thay vì phải “chống giặc trên mạng”...

Phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 13/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, đã có những biểu hiện lơi lỏng ở một số nơi, người dân ra đường nhiều hơn trước, một số cửa hàng không thuộc diện được kinh doanh trong thời gian này vẫn mở cửa bán hàng là điều hết sức nguy hiểm.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Hành động lúc này của các cấp, các ngành là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, không vì lợi ích kinh tế mà coi thường sức khỏe của nhân dân, đó là nguyên tắc tối thượng trong xử lý các công việc cụ thể thời gian này.

Do đó, việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và các quy định khác cần tiếp tục được thực hiện ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các đô thị lớn.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, nếu lơi lỏng, sẽ xóa đi thành quả mà Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và nhân dân đã dày công xây dựng suốt vài tháng qua.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục