Liệu có hết ùn tắc?

Giảm xe cá nhân, tăng xe buýt, liệu có hết ùn tắc?

Vẫn chuyện "nóng" về ùn tắc giao thông, nhiều giải pháp đang được đặt ra như hạn chế xe cá nhân, giãn giờ làm việc, tăng làn đường xe buýt.
Chiều 17/10, trong cuộc làm việc giữa Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội để phân tích thực trạng ùn tắc giao thông, tìm giải pháp phát triển vận tải công cộng, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, cần chú trọng đặc biệt đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng nhằm giảm phương tiện cá nhân.

Để tạo bước đột phá cho xe buýt, Bộ trưởng Thăng đưa ra câu hỏi đối với Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco): “Đến giờ cao điểm cấm các loại xe khác để cho xe buýt hoạt động thì có giải quyết được ùn tắc ở các tuyến đường này không?”

Xe buýt không gây ùn tắc


Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Phi Thường, Tổng giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội thừa nhận, hiện hạ tầng Hà Nội dành cho xe buýt thiếu và yếu, nhiều khu vực người dân khó tiếp cận với xe buýt và có khu vực còn "trắng" xe buýt. Nạn trộm cắp, móc túi ở các điểm trung chuyển và trên xe giờ cao điểm, hiện tượng bỏ điểm dừng và thái độ phục vụ của một số lái xe, bán vé đang gây bức xúc cho khách đi xe….

Khảo sát trên 27 đoạn đường thường xuyên xảy ra ùn tắc ở Hà Nội thì chỉ có 7 đoạn có tần suất chạy xe buýt cao, trong khi đó 20 điểm, đoạn còn lại thường xuyên ùn tắc thì xe buýt đang vận hành dưới tiêu chuẩn cho phép.

“Như vậy, chưa có cơ sở thực tiễn để nói xe buýt là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông,” ông Thường khẳng định.

Ngoài ra, kết quả điều tra khảo sát cho thấy tỷ lệ chiếm dụng đường của xe buýt trên một số tuyến phố chính chỉ từ 4-12% nhưng vận chuyển 12-24% lượng khách. Nếu chỉ tính trên 6 trục đường chính như: Nguyễn Văn Cừ, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng, Trần Duy Hưng sử dụng loại xe buýt trung bình và lớn đã giảm đươc trên 100.000 xe máy tham gia giao thông trong giờ cao điểm.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng lượng hành khách sử dụng vận tải công cộng lên 15% vào năm 2015 thực sự không dễ, khi công suất cung ứng khai thác đã đến giới hạn.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết: “Dịch vụ xe buýt luôn luôn có nguy cơ bị phá vỡ vì ùn tắc, đặc biệt là trong giờ cao điểm.”

Theo ông Hải, xe buýt Hà Nội đang khai thác được 80% công suất nhưng không thể tăng tần suất lên được nữa vì đường sá, hạ tầng dành cho xe buýt bị chiếm dụng nghiêm trọng.

Đồng tình quan điểm không thể tăng tần suất xe buýt khi hạ tầng và phương tiện cá nhân gia tăng, không đủ đường cho xe chạy, ông Thường cho rằng, 80% khách đi xe buýt là học sinh sinh viên, lượng khách càng ngày càng đông nhưng Transerco cũng không thể tăng tần suất hoạt động của xe do tắc đường khiến xe không thể chạy thông tuyến.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong thực trạng hạ tầng phát triển chậm, tiến độ các dự án đường sắt đô thị chưa bảo đảm, vài ba năm tới, xe buýt vẫn giữ vai trò trụ cột trong vận tải hành khách công cộng. Hà Nội và các cơ quan chức năng đang thực hiện chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân, như vậy, vai trò xe buýt trong thời gian tới còn quan trọng hơn.

Cấm xe để tạo đột phá cho xe buýt

Từ thực tế trên, ông Thường kiến nghị với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải để tăng cường vận tải xe buýt, cần phải bố trí thời gian làm việc của các cơ quan trường học lệch nhau 60 phút để giãn bớt căng thẳng giờ cao điểm như đề xuất của Sở. Tổ chức ưu tiên cho xe buýt bên phải đường và tách với dòng ô tô, xe máy (nếu chiều rộng đường cho phép). Xén vỉa hè, bố trí lại các điểm nhà chờ, chống lấn chiếm hành lang xe buýt.

Trước những giải pháp của Tổng công ty vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt những câu hỏi: “Với những kiến nghị trên nếu được giải quyết thì có giải quyết được tồn tại ùn tắc hiện nay không?  Đến giờ cao điểm cấm các loại xe khác để cho xe buýt hoạt động thì có giải quyết được ùn tắc ở các tuyến đường này không?”

Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Thăng, ông Thường cho biết: “Nếu cấm thì giải quyết được”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, phải đưa ra các giải pháp cấp bách để xử lý tình trạng ùn tắc giao thông trước mắt.

Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan chức năng của Hà Nội tích cực phối hợp để phân làn, phân tuyến giao thông, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu vượt. Hà Nội cần chấm dứt việc dùng lòng đường để cho thuê làm các điểm trông giữ xe.

“Taxi cũng là xe cá nhân nên quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải phải cấm xe taxi đi vào các tuyến đường trọng điểm trong giờ cao điểm. Việc cấm xe cá nhân cũng phải thực hiện ngay, còn sau đó họ thích đi thì phải tự điều chỉnh,”  Bộ trưởng Thăng nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nêu ra một số giải pháp thực tế từ các nước như ở Trung Quốc, một số đường dành cho ô tô biển chẵn lẽ và đấu thầu quyền sử dụng. Ở giờ cao điểm chỉ có xe vận tải công cộng được vào còn các loại xe khác không được vào. Thậm chí tại một số tuyến đường, giờ cao điểm người ta còn cấm xe ô tô cá nhân không được chở một người, chỉ cho lưu thông khi chở đủ 4 người.

Để giảm ùn tắc và giảm khả năng phương tiện tham gia lưu thông trong cùng giờ cao điểm, Bộ trưởng Thăng cho biết, sẽ đề nghị Chính phủ điều chỉnh giờ học, làm việc để chống ùn tắc. Theo gợi ý của ông Thăng, cơ quan trung ương có thể làm việc từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều.

“Biện pháp nào cũng có tác dụng phụ, kể cả chúng ta uống thuốc bổ, nhưng chúng ta phải chấp nhận là nó khỏi được bệnh dù cho nó có ảnh hưởng đến một số bộ phận khác của con người,” Bộ trưởng Thăng đưa ra chính kiến./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục