Giảm trung gian, tạo điều kiện cho người nuôi heo tiêu thụ sản phẩm

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương triển khai các giải pháp cấp bách nhằm ổn định phát triển chăn nuôi.
Giảm trung gian, tạo điều kiện cho người nuôi heo tiêu thụ sản phẩm ảnh 1Cung cấp heo thương phẩm cho thị trường. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Những ngày qua thị trường đang sôi sục trước thông tin giá thịt lợn hơi xuất chuồng sụt giảm xuống mức “kỷ lục” dưới 25.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại gây thua thiệt nặng nề cho người chăn nuôi.

Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương triển khai các giải pháp cấp bách nhằm ổn định phát triển chăn nuôi.

Theo đó, về giải pháp trước mắt Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị giao cho các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn và quy trình chăm sóc nuôi dưỡng nhằm hạ giá thành sản xuất ở mức thấp nhất trong điều kiện có thể.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị cơ sở tăng cường quản lý thị trường, giảm bớt các khâu trung gian, quản lý tốt giá cả và tạo thuận lợi cho người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm.

[Họp khẩn kêu gọi doanh nghiệp giải cứu ngành chăn nuôi lợn]

Đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện tuyên truyền, khuyến cáo các đơn vị sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi rà soát quy trình sản xuất, giảm giá bán phù hợp, chia sẻ với người nông dân.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan thú y tăng cường kiểm tra dịch bệnh, tiêm phòng vắcxin, không để tình trạng cắt bớt các khâu quản lý dịch bệnh sẽ dẫn tới hệ lụy phát dịch trong thời gian tới.

Cùng với đó, các địa phương cần tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ, chế biến phát huy tối đa công suất sản xuất các sản phẩm thành phẩm và dự trữ thịt lợn góp phần tạo nguồn tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho người chăn nuôi.

Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương cần tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết; trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, Hiệp hội và Hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi.

[“Giải cứu” ngành chăn nuôi lợn: Đâu là giải pháp căn cơ?]

Ngoài ra, các địa phương cần triển khai các giải pháp tổng thể nhằm phát triển thị trường cho sản phẩm chăn nuôi của địa phương (xác định địa phương phải chủ động là chính kết hợp giải pháp liên kết trong vùng và liên vùng).

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương tiến hành rà soát, thống kê chăn nuôi để có quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi phù hợp với từng địa phương; vừa đảm bảo ổn định thị trường vừa bảo vệ môi trường chăn nuôi gắn với an toàn thực phẩm.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện giá thu mua lợn hơi trên thị trường dao động ở mức 25.000 - 27.000 đồng/kg (tùy địa phương), giảm một nửa so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Hiện một số hộ chưa dám tăng đàn vào thời điểm hiện tại mà chỉ cố gắng duy trì hoặc giảm nhẹ quy mô đàn do chuồng trại và con giống có sẵn. Theo số liệu ước tính của Tổng Cục thống kê, tổng số lượng lợn cả nước bốn tháng đầu năm 2017giảm 0,2% so với cùng kỳ 2016.

Đại diện Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội cũng cho biết giá lợn hơi trên thị trường trong 6 tháng trở lại đây bình quân là 25.000 đồng/kg, trong khi giá sản xuất trung bình là 33.000 đồng/kg (đối với các hộ phải mua lợn giống là 39.000 đồng/kg).

Do vậy, người chăn nuôi thiệt hại khoảng 1 triệu đồng/một con lợn (đối với các hộ phải mua lợn giống là 1,6 triệu đồng/con). Với số lượng 1,5 triệu con lợn thịt bán ra từ tháng 10/2016 tới nay, các hộ chăn nuôi trên toàn thành phố Hà Nội thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục