Mong đợi nâng mức giảm trừ gia cảnh hay tăng ngưỡng doanh thu chịu thuế của cá nhân kinh doanh đã không được nhắc tới trong dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân được công bố mới đây.
Với nhiều người, sự thiếu vắng này có thể sẽ là khoản tiền "kha khá" mà người dân tiếp tục phải gánh trong những năm tới.
Gánh nặng lơ lửng
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân, số 26/2012/QH13 - năm 2012 và có hiệu lực từ 1/7/2013, quy định tại Khoản 1 Điều 19 "giảm trừ gia cảnh với đối tượng nộp thuế có thu nhập 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng."
[Hơn 50 bệnh viện trên toàn quốc chính thức điều chỉnh tăng viện phí]
Từ đó đến nay đã hơn 4 năm, song Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2017 vẫn giữ nguyên các mức giảm trừ gia cảnh. Điều này khiến không ít người dân băn khoăn khi những gánh nặng chi phí mỗi ngày một tăng trong khi mức giảm trừ gia cảnh vẫn “giậm chân tại chỗ.”
Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, Khu đô thị Đại Thanh, Hà Đông, Hà Nội, có một con nhỏ 2 tuổi cho biết, mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc như hiện nay là “lỗi thời.”
[Hà Nội tăng học phí trường công lập từ năm học 2017-2018]
Đơn cử, chị Tâm là một viên chức làm việc trong một cơ quan Nhà nước cách nhà 12 km, vì vậy cuối ngày trở về đón con thường từ 17 giờ 30 – 18 giờ 30, điều này đồng nghĩa với việc chị phải gửi con ở một trường tư thục.
“Một trường mần non ở hạng trung bình cũng đã phải đóng chi phí học 2,5 triệu đồng/tháng, cộng tiền ăn, điện, nước… đóng thêm từ 1 triệu – 1,5 triệu/tháng. Theo cách tính giảm trừ gia cảnh này, tôi đóng xong tiền học cho con là hết. Vậy có nghĩa là cháu về nhà không cần ăn sáng, ăn tối, bỉm, sữa, thuốc men mỗi khi ốm đau hay sinh hoạt vui chơi nữa hay sao?” chị Tâm chia sẻ.
[Đề xuất áp thuế thu nhập cá nhân lên tới 30% với người trúng xổ số]
Một đồng nghiệp vẫn còn độc thân của chị Tâm cũng than thở, thu nhập 9 triệu đồng/tháng không còn là mức cao so với đời sống hiện đại. Chị này liệt kê, nếu ăn uống mỗi ngày 100.000 đồng, tháng đã hết 3 triệu đồng, tiền thuê nhà cộng điện nước, nước, rác sinh hoạt từ 2,5 triệu đồng – 3 triệu đồng/tháng, bên cạnh đó chi phí đi lại, điện thoại, internet, ốm đau, hiếu hỉ, quần áo, giao tiếp bạn bè… với 3 triệu đồng/tháng là mức quá bình dân.
Không chỉ người làm công ăn lương phàn nàn, ngay cả các cá nhân kinh doanh cũng cho rằng mức mức thu nhập 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế thu nhập cá nhân là không hợp lý.
Chị Nguyễn Thị Tú bán quà sáng tại một chợ truyền thống, quận Ba Đình cho biết, mỗi ngày doanh thu của chị bán khoảng 1 triệu đồng. Như vậy cả tháng buôn bán không có ngày nghỉ, cộng cả ngày lỗ, ngày lãi, doanh thu cửa hàng của chị khoảng 20 triệu đồng – 25 triệu đồng.
Nhìn qua con số này rõ ràng cho thấy chị Tú là người có thu nhập cao, tuy nhiên khi trừ đi các chi phí như nguyên liệu (thịt, xương, bún, rau, gia vị…), điện, nước, thuê cửa hàng và các loại thuế, phí kinh doanh theo quy định… hai vợ chồng chị thu nhập về còn không được 10 triệu đồng/tháng.
“Tôi chẳng hiểu cách tính thuế như vậy có hợp lý hay không, khi mà đời sống gia đình vẫn phải lo ăn từng bữa,” chị Tú ngán ngẩm than thở.
Những con số lạc hậu
Nói về ngưỡng doanh thu chịu thuế 100 triệu đồng/năm của cá nhân kinh doanh, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thừa nhận, đây là mức thấp.
Theo ông, 100 triệu đồng/năm tương đương doanh thu chỉ khoảng hơn 8 triệu đồng mỗi tháng. Trong điều kiện hiện tại, đặc biệt là các thành phố lớn, mức doanh thu trên theo ông cần có sự thay đổi.
Thực tế, ngưỡng 100 triệu đồng/năm không phải tới bây giờ mới được đặt ra. Ngay từ cách đây vài năm, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cho rằng, cơ quan chức năng nên để doanh thu ít nhất là 150 triệu đồng mỗi năm, tương đương mức thu khoảng hơn 12 triệu đồng một tháng để giúp mọi người có cuộc sống dễ thở hơn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình cũng đồng tình với nhận định này. Theo ông, mức 100 triệu đồng mỗi năm thậm chí là thấp bởi một người lao động thường phải nuôi cả người phụ thuộc. Ngay cả mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng với người phụ thuộc, ông cũng đánh giá, đây là con số lạc hậu.
“Mỗi năm qua đi, tài sản xác định bằng tiền lại lạc hậu, các nhà khoa học gọi là đồng tiền có tính giá trị theo thời gian,” ông Bình nói.
Bởi vậy, ông đề xuất, cơ quan chức năng phải điều chỉnh các ngưỡng cố định bằng tiền theo mức lạm phát. Cách làm của cơ quan chức năng hiện tại theo ông vẫn theo kiểu “lâu lâu đưa vào một lần.” Ông Bình khẳng định, cách làm đó là lạc hậu.
“Theo tôi, để chuẩn thì cơ quan chức năng nên công bố mức trượt giá hàng năm và cuối năm công bố văn bản điều chỉnh,” ông Bình đưa ra ý kiến.
Nếu làm được điều trên, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, người dân sẽ đỡ thiệt.
Thế nhưng, phân tích sâu hơn, ông Bình đặt vấn đề, điều quan trọng là làm sao quản lý được doanh thu của các cá nhân.
“Một hộ kinh doanh kể cả thu 200 triệu đồng nhưng khai 80 triệu đồng thì minh chứng họ này thuộc diện đóng thuế là rất khó. Cơ quan quản lý Nhà nước không minh chứng được nếu ta không có công cụ hợp lý,” ông lên tiếng.
Đây cũng là vấn đề được chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhắc tới. Ông cho rằng, cơ sở thu thuế là phải có hóa đơn, chứng từ nhưng Việt Nam vẫn chưa có chính sách khuyến khích người dân sử dụng hóa đơn nên việc chứng minh này là khó.
Theo ông, các nước có nhiều biện pháp để người dân sử dụng hóa đơn đặc biệt là nhiều cách khuyến khích như quay thưởng theo số hóa đơn của người dân. Tuy nhiên, với Việt Nam, cơ sở tính toán doanh thu là gì là câu hỏi được ông Long đặt ra.
Còn với ông Nguyễn Thanh Bình, ông góp ý thêm: “Trước khi áp thuế thì việc đầu tiên Nhà nước phải quản được doanh thu, ta phải ra được công cụ, chính sách để nếu các cá nhân không khai báo đúng doanh thu thì mất quyền lợi.”/.