Giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm về quản lý trang thiết bị y tế

Để kiểm soát, hoạt động kinh doanh thiết bị y tế của doanh nghiệp, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, Bộ Y tế đang đề xuất tăng cường hậu kiểm trong lĩnh vực này.
Bệnh viện E đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ chẩn đoán điều trị. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Để kiểm soát, nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh thiết bị y tế của doanh nghiệp, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, Bộ Y tế đang đề xuất tăng cường hậu kiểm trong lĩnh vực trang thiết bị y tế.

Nếu như trước kia thực hiện tiền kiểm khiến thời gian lưu kho lâu, nay đẩy mạnh hậu kiểm sẽ giải phóng thời gian cho doanh nghiệp đưa vào sử dụng kiểm tra chất lượng tại đơn vị sử dụng.

[Đấu thầu thiết bị y tế: Làm sao tránh nền y tế giá rẻ?]

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị đánh giá sau 2 năm thực hiện, triển khai Nghị định 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và lấy ý kiến về các nội dung của Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, diễn ra ngày 10/5 tại Hà Nội.

“Việc hậu kiểm sẽ được trung tâm kiểm chuẩn thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống này còn yếu phải tiếp tục được đẩy mạnh. Bản thân bệnh viên khi đấu thầu, mua sắm cũng cần có trách nhiệm kiểm tra và hậu kiểm khi đã lắp đặt, sử dụng”, ông Tuấn cho hay.

Theo ông Tuấn, Nghị định 36/2016/NĐ-CP là văn bản được ban hành nhằm thống nhất hầu như toàn bộ các vấn đề liên quan đến thiết bị y tế từ khâu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, lưu hành, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, mua bán, kiểm định, xuất khẩu, nhập khẩu...

Do vậy, thời gian giải quyết đối với các thủ tục hành chính được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi cho công tác xử lý, theo dõi và quản lý thông tin hồ sơ, các doanh nghiệp do toàn bộ công việc được xử lý trên phần mềm hệ thống trực tuyến và theo mức độ 4 về công nghệ thông tin.

Đánh giá sau 2 năm thực hiện Nghị định, Bộ Y tế đang đề xuất bãi bỏ, sửa đổi nhiều điều kiện liên quan tới việc sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời quản lý thúc đẩy sản xuất trong nước, hài hòa hội nhập quốc tế để tăng cường kiểm soát chất lượng.

Đại diện về phía doanh nghiệp, bà Phạm Thi Thu Hà - Công ty Siemens Việt Nam, đại diên khối các doanh nghiệp Eurocham cho hay, từ khi triển khai nghị định 36, bên cạnh nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp như tạo động lực thúc đẩy, tăng cường hội nhập với quốc tế song trong quá trình thực hiện Nghị định vẫn gặp một số khó khăn vướng mắc.

Cụ thể, hiện một số sản phẩm y tế thiết bị nhưng quản lý đan xen với thuốc khiến nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Một số đại diện của các doanh nghiệp cũng bày tỏ thắc mắc về thời gian thực hiện trả lời hồ sơ của doanh nghiệp trên hệ thống cổng thông tin một cửa quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục