Giảm thiểu thiệt hại do bạo lực gây ra với nữ lao động di cư

Chiến dịch "Ruy băng Trắng" là phong trào toàn cầu, nhằm nâng cao nhận thức, hành động, thúc đẩy vai trò tích cực của nam giới và cộng đồng trong việc chấm dứt hành vi bạo lực đối với phụ nữ.
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sáng 1/12, tại Hà Nội, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Các cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Woman) tổ chức sự kiện "Bữa sáng Ruy băng Trắng lần thứ 6 - Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em, di cư an toàn."

Sự kiện nhằm thúc đẩy sự hợp tác của các cá nhân, bộ, ban, ngành trong việc xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành nhằm giảm thiểu thiệt hại do bạo lực gây ra đối với phụ nữ; đồng thời đưa ra biện pháp ứng phó trong trường hợp lao động nữ di cư đối mặt với bạo lực; qua đó hạn chế ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe và tinh thần của phụ nữ.

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Dương Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết những năm qua, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới. Tuy nhiên, vấn đề bạo lực trên cơ sở giới vẫn là thách thức lớn của Việt Nam hiện nay.

Theo điều tra quốc gia tình hình bạo lực với phụ nữ tại Việt Nam lần thứ 2 năm 2019, khoảng 63% phụ nữ phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời; 31,6% đang gặp phải bạo lực nhưng không nói ra, không tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ quan chính quyền.

Theo số liệu từ năm 2010-2020, mô hình Ngôi nhà Bình Yên (trực thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển) tư vấn cho hơn 14.000 lượt người về các vấn đề liên quan đến quyền phụ nữ, phòng chống bạo lực giới, trong số đó có khoảng 24,5% vụ việc liên quan đến phòng, chống mua bán người và di cư.

Đặc biệt, trong số 400 phụ nữ di cư quốc tế tạm lánh tại các mô hình Ngôi nhà Bình Yên, khoảng 66% chị em bị bóc lột, xâm hại tình dục; 13% bị mua bán vì mục đích lao động; 11% vừa bị bóc lột tình dục, vừa bị bóc lột sức lao động.

[Mô hình nam giới tiên phong phòng ngừa bạo lực giới được nhân rộng]

"Hành trình phụ nữ di cư lao động không chỉ phải đối mặt với rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, pháp luật mà còn không có cơ hội tiếp cận các kênh chính thức đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, phụ nữ không có cơ hội tìm hiểu quyền của phụ nữ lao động di cư tại nước đến, vai trò của tổ chức hỗ trợ người lao động; thông tin, kỹ năng để có thể phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân để phòng tránh mua bán người và bạo lực giới," bà Dương Ngọc Linh nhấn mạnh.

Tại sự kiện, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế Việt Nam Chang-Hee Lee cho biết việc chấm dứt, xóa bỏ bạo lực đối với lao động nữ di cư không chỉ giúp phụ nữ không còn sợ hãi, lo lắng về các nguy cơ bị bạo lực và lạm dụng mà còn khuyến khích họ làm việc năng suất, hiệu quả hơn, đóng góp cho kinh tế gia đình và xã hội. Do đó, ông Chang-Hee Lee kêu gọi tất cả nam giới cùng hành động để chấm dứt bạo lực đối với lao động nữ di cư.

Đồng quan điểm, Trưởng đại diện UN Woman Việt Nam Elisa Fernandez Saenz cho biết, lao động nữ di cư góp phần đáng kể vào nền kinh tế của quốc gia nhập cư cũng như quốc gia xuất cư nhưng nhiều người phải đối mặt với khó khăn về bạo lực, lạm dụng tình dục và bóc lột sức lao động…

Trong khi đó, phụ nữ di cư thường khó tiếp cận sự hỗ trợ bởi rào cản ngôn ngữ, tình trạng di cư hoặc bị kiểm soát. "Để giải quyết thực trạng nêu trên, mỗi bộ, ngành cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc ứng phó với các hình thức bạo lực phụ nữ, trẻ em, buôn bán người," bà Elisa Fernandez Saenz cho biết.

Tại sự kiện, đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thảo luận về vai trò của từng cơ quan trong việc phối hợp tiếp nhận, giải quyết và bảo vệ quyền của phụ nữ bị bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm lao động nữ di cư.

Bên cạnh đó, các ý tưởng cũng được đưa ra để kêu gọi hành động thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả, có trách nhiệm, giảm thiểu thiệt hại do bạo lực gây ra với phụ nữ di cư.

Chiến dịch "Ruy băng Trắng" là phong trào toàn cầu, nhằm nâng cao nhận thức, hành động, thúc đẩy vai trò tích cực của nam giới và cộng đồng trong việc chấm dứt hành vi bạo lực đối với phụ nữ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục