Giảm thiểu tác động tiêu cực, PVN hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu quý 1

Chủ tịch PetroVietnam đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai các giải pháp để duy trì sản lượng khai thác dầu khí, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế đất nước trong bối cảnh khó khăn.
Giảm thiểu tác động tiêu cực, PVN hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu quý 1 ảnh 1Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh kiểm tra hoạt động trên giàn Công nghệ Trung tâm số 2, mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong quý 1/2023, với quyết tâm, nỗ lực cao để kiểm soát, giảm thiểu thiệt hại từ những tác động tiêu cực của kinh tế vĩ mô, biến động của thị trường, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) duy trì nhịp độ sản xuất kinh doanh ổn định, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được giao, nộp ngân sách hơn 29.800 tỷ đồng.

Thông tin được ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc PetroVietnam đưa ra trong cuộc họp giao ban điều hành sản xuất-kinh doanh thường kỳ tháng 4/2023 với lãnh đạo các đơn vị thành viên Tập đoàn.

Nhiều chỉ tiêu vượt mức kế hoạch

Trong tháng 3 và quý 1/2023, tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường có nhiều biến động, tác động tiêu cực đến nền kinh tế cũng như ngành Dầu khí. Mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, lạm phát đã qua đỉnh nhưng phục hồi sản xuất trên toàn cầu chậm và không đồng đều.

Ở trong nước, tình hình kinh tế quý 1/2023 còn hết sức khó khăn. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2023 ước tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn mức tăng 3,21% của quý 1/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Những khó khăn của tình hình thế giới đã khiến hàng loạt chỉ số như xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%, sản xuất công nghiệp (IIP) suy giảm, tăng trưởng tín dụng khó khăn, nhiều địa phương tăng trưởng âm, nhu cầu các sản phẩm thiết yếu cho sản xuất, thép, than đá… cũng sụt giảm.

[PVN bám sát mục tiêu quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh]

Trong bối cảnh đó, với việc tiếp tục bám sát tình hình vĩ mô, thị trường, điều hành sản xuất-kinh doanh hợp lý, kịp thời, nỗ lực quản trị rủi ro, kiểm soát, giảm thiểu thiệt hại từ các tác động tiêu cực, biến động giá, sản lượng, nhu cầu thị trường… và nỗ lực tận dụng tốt các cơ hội, dư địa để tăng trưởng, PetroVietnam tiếp tục giữ vững nhịp độ sản xuất kinh doanh ổn định, duy trì sản lượng sản xuất ở mức cao.

Nhiều chỉ tiêu sản xuất vượt kế hoạch và tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể trong quý đầu năm, sản lượng khai thác dầu đạt 2,60 triệu tấn, vượt 12,6% kế hoạch quý; bằng 28% kế hoạch năm, sản lượng khai thác khí đạt 1,97 tỷ m3, vượt 17,6% kế hoạch quý, bằng 33% kế hoạch năm.

Ngoài ra, sản xuất điện đạt 5,65 tỷ kWh, vượt 6,3% kế hoạch quý, bằng 23,5% kế hoạch năm, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2022; Sản xuất đạm đạt 461.000 tấn, vượt 12% kế hoạch quý, bằng 29% kế hoạch năm; Sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) đạt 1,74 triệu tấn, vượt 11,3 % kế hoạch quý, bằng 31,5% kế hoạch năm, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2022.

Với nỗ lực sản xuất tối đa, tối ưu và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Petrovietnam đạt được các chỉ tiêu tài chính khả quan, vượt so với kế hoạch, tích cực hơn so với đà suy giảm của giá dầu và các biến động bất lợi của thị trường (trong quý 1/2023 giá dầu xuất bán trung bình giảm 15% so với cùng kỳ).

Quý 1/2023, Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 193,7 nghìn tỷ đồng, vượt 17% kế hoạch quý và đạt 29% kế hoạch năm; nộp ngân sách đạt 29,8 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch quý và đạt 38% kế hoạch năm; Lợi nhuận trước thuế ước đạt 13,6 nghìn tỷ đồng, vượt 67% kế hoạch quý, bằng 39% kế hoạch năm.

Giữ vững sản lượng khai thác dầu khí

Nhận định các biến động bất lợi của kinh tế vĩ mô, thị trường; những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước trong quý 1 sẽ tác động và tạo áp lực lớn đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý 2 và các quý còn lại; Cùng với các kịch bản về mục tiêu tăng trưởng của đất nước và nhận dạng các khó khăn trong thời gian tới, PetroVietnam tiếp tục tập trung các giải pháp để nỗ lực hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch đặt ra trong những tháng tiếp theo.

Phát biểu chỉ đạo, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên PetroVietnam nhận định, tình hình kinh tế quý 1 và dự báo cả năm 2023 sẽ không thuận lợi như năm 2022, do đó, các đơn vị thành viên Tập đoàn cần vị có giải pháp đột phá, quyết liệt, phấn đấu đạt được kế hoạch sản xuất-kinh doanh được giao, cũng như kế hoạch quản trị đặt ra của Tập đoàn.

Ông Vượng cũng chỉ đạo tiếp tục triển khai các giải pháp để duy trì sản lượng khai thác dầu khí, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế đất nước trong bối cảnh khó khăn; tận dụng thời điểm thị trường điện mùa khô, từ nay đến tháng 6/2023 các nhà máy điện duy trì trong Tập đoàn tính khả dụng cao, sẵn sàng cung ứng; nỗ lực đảm bảo các mốc tiến độ quan trọng tiếp theo của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2; cập nhật đề án tái cấu trúc DQS, xác định vai trò của của DQS trong chiến lược phát triển kinh tế biển, kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng, bộ, ngành, Chính phủ. 

Giảm thiểu tác động tiêu cực, PVN hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu quý 1 ảnh 2Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thăm và làm việc tại DQS. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị với những giải pháp kịp thời đã duy trì ổn định sản xuất-kinh doanh, đạt được nhiều chỉ tiêu tăng trưởng, khối lượng các công việc được giải quyết trong quý tăng hơn nhiều hơn so với trung bình cả năm 2022, đồng thời mong muốn các đơn vị tiếp tục phát huy kết quả đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Trên tinh thần quyết tâm thực hiện kế hoạch đặt ra, ông Hùng chỉ đạo tăng cường sự phối hợp, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau trong toàn Tập đoàn; phát huy và củng cố hệ sinh thái PetroVietnam và xây dựng hệ sinh thái mở với các địa phương trên cơ sở tích hợp chiến lược phát triển ngành Dầu khí với chiến lược phát triển kinh tế địa phương, tận dụng cơ hội phối hợp với các tỉnh, thành để đẩy mạnh hoạt động sản xuất-kinh doanh cũng như rà soát tổng thể các nguồn lực liên quan đến hoạch định chiến lược, kết hợp, làm việc với từng địa phương để hỗ trợ đơn vị trong việc sử dụng nguồn lực đất đai.

Trong tháng 4, cũng như trong thời gian tới, Tổng Giám đốc PetroVietnam đề nghị các đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan đề xuất cập nhật sửa đổi Nghị quyết 41-NQ/TW, ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; góp ý xây dựng Nghị định quy định chi tiết Luật Dầu khí năm 2022, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 124/2017/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực Dầu khí…

Trong hoạt động sản xuất-kinh doanh, ông Lê Mạnh Hùng chỉ đạo các đơn vị tăng cường cập nhật biến động thị trường, chính sách tài khóa, tiền tệ làm cơ sở điều hành trong các lĩnh vực; nâng cao công suất, hiệu suất, tối ưu vận hành của các nhà máy; triển khai các giải pháp để thúc đẩy và kiểm soát các hoạt động đầu tư của Tập đoàn; giữ vững sản lượng khai thác dầu khí; thực hiện tốt công tác quản lý vốn, tài sản, xử lý, thu hồi công nợ, giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại.

Đồng thời, tích cực đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ khoa học dài hạn; đổi mới và xây dựng mô hình kết hợp kinh doanh không sở hữu; có cơ chế phân bổ lợi ích để tạo động lực phát huy sáng tạo, tối ưu, gia tăng hiệu quả sản xuất-kinh doanh; phát huy hiệu quả các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết trong toàn Tập đoàn và rà soát, mở rộng thêm các chuỗi mới; Tiếp tục triển khai đề án chuyển đổi số, quản trị tổng thể nguồn lực Tập đoàn… đảm bảo tối ưu nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của từng khối, lĩnh vực, trong hệ sinh thái PetroVietnam./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục