Giảm thiểu rác thải nhựa: Cần bắt đầu từ ‘ý thức xanh’ của công nhân lao động

Những chiếc túi nilon, vỏ mì tôm, hộp nhựa,… sẽ được “sống một cuộc sống mới” đầy ý nghĩa hơn nếu mỗi người dân, công nhân lao động biết yêu môi trường, ứng xử trách nhiệm bằng cách tái chế.

Chị Vũ Thị Thảo - Giáo viên Trường Trung học Vinschool. (Ảnh: Thanh Thảo/Vietnam+)
Chị Vũ Thị Thảo - Giáo viên Trường Trung học Vinschool. (Ảnh: Thanh Thảo/Vietnam+)

Thay vì “kết thúc số phận” trong thùng rác hay “lang thang ngoài môi trường” hàng trăm năm mà không thể phân hủy - những chiếc túi nilon, vỏ mì tôm, hộp nhựa,… sẽ được “sống một cuộc sống mới” đầy ý nghĩa hơn nếu mỗi người dân, công nhân lao động biết yêu môi trường, ứng xử trách nhiệm bằng cách tái chế rác ở chính nơi mình sinh sống nhằm tạo ra những vật dụng hữu ích và giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.

Đó là thông điệp được đưa ra tại Diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường” năm 2023, do Báo Lao động tổ chức diễn ra chiều 29/3, tại Hà Nội, nhằm thúc đẩy hoạt động công nhân, người lao động bảo vệ môi trường; hướng tới chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, carbon thấp để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để rác thải nhựa được “tái sinh”

Đều đặn 4 năm qua, sau giờ học vào mỗi buổi chiều thứ 5 hằng tuần, chị Vũ Thị Thảo - Giáo viên Trường Trung học Vinschool, Chủ tịch Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh lại tổ chức hoạt động tái chế để bảo vệ môi trường, giảm phát thải rác thải nhựa bằng cách tạo ra những sản phẩm hữu ích từ vỏ mì tôm bỏ đi.

Chia sẻ tại diễn đàn với hàng trăm sinh viên, công nhân lao động của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội tham dự, chị Vũ Thị Thảo cho hay bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm của riêng cá nhân ai mà là của tất cả mọi người, nhất là với thế hệ trẻ, thanh niên. Từ những hành động nhỏ có thể tác động lớn tới cộng đồng, qua đó mang lại những giá trị vô cùng lớn lao về cả kinh tế, văn hóa, giáo dục và môi trường.

Với quan điểm đó, từ tháng 2/2020 khi dịch COVID-19 bùng phát, dự án MÌ TÔM XANH của chị Thảo đã đi vào hoạt động với mong muốn tạo ra những vật dụng hữu ích và giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.

“Đây cũng là thời gian mà người lao động như chúng tôi không thể tới trường dạy học bình thường được nhưng đó cũng là khoảng thời gian cho tôi cơ hội tĩnh tâm và tìm kiếm những ý tưởng như tái chế rác thải nhựa như vỏ mì tôm,” chị Thảo chia sẻ và cho biết vỏ mì tôm sau khi thu về sẽ được xử lý cẩn thận, vệ sinh sạch và tạo thành nhiều sản phẩm khác nhau như hộp bút, giỏ hoa, túi xách, bông tai...

Theo chị Thảo, việc tái chế vỏ mì tôm đã qua sử dụng sẽ giúp tất cả mọi người ai cũng có thể tận dụng rác và tái chế rác ở chính nơi mình sinh sống. Đây cũng là cơ hội cho người yếu thế có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập đều đặn mà không tốn nhiều vốn bởi nguyên liệu chính là vỏ mì có thể xin được.

Về thách thức của rác thải nhựa, ông Dương Trung Thành - Chủ tịch Công đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường thế kỷ 21 là lúc phải đối mặt với những hậu quả lớn từ rác thải nhựa. Việc quản lý không đúng cách, thiếu thông tin về tác động tiêu cực của nhựa và việc sử dụng vô trách nhiệm cũng như việc xả rác các sản phẩm nhựa đã biến hành tinh này thành “hành tinh nhựa,” tác động xấu tới môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Nhận ra được những tác hại và tác động tiêu cực đến môi trường đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với thế giới, ông Thành cho biết Bộ tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chủ trương chính sách nhằm quản lý rác thải nhựa và đang triển khai trên cả nước.

vnp_moi truong 2.jpg
Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động Nguyễn Anh Thơ. (Ảnh: Thanh Thảo/Vietnam+)

Một trong những chủ trương nổi bật như Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021, về việc phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Mục tiêu cụ thể của đề án đến năm 2025 là “Sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị; tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; phấn đấu 100% các khu du lịch, khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.”

Trong đó, một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đề án đó là: Quy định trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm nhựa, bao bì nhựa; ban hành và thực hiện quy định, quy chế trong cơ quan, văn phòng, công sở để hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần…

Chuyển đổi mô hình phát triển xanh

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết theo mục tiêu của Nghị quyết số 24-NQ/TW về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đến năm 2050, Việt Nam sẽ bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với mức hiện nay của các nước công nghiệp phát triển trong khu vực.

Để đạt được mục tiêu trên, yêu cầu đặt ra là cần đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động bảo vệ môi trường tới mọi tầng lớp nhân dân, trong đó đoàn viên, công đoàn là lực lượng xung kích, đi đầu trong các hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và tại địa phương.

Đề cập đến giải pháp, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh trong bối cảnh các nguyên lý kinh tế tuần hoàn đang được thế giới thúc đẩy, các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, rác thải nhựa cần được các doanh nghiệp của Việt Nam khuyến khích mở rộng.

Ông Thọ cho biết hiện nay, Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì xây dựng tiêu chí phân loại dự án xanh để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đây được xem là một trong những cơ chế thiết thực giúp các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư theo hướng xanh có thể tiếp cận được các nguồn lực ưu đãi như trái phiếu xanh, tín dụng xanh. Trong đó để bảo vệ môi trường một cách hiệu quả thì Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện.

Còn theo Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động Nguyễn Anh Thơ, để đảm bảo việc làm, an toàn, sức khỏe người lao động trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường hiện nay, nhiệm vụ quan trọng là cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động trong các lĩnh vực hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

vnp_cong nhan lao dong.jpg
Diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường” năm 2023. (Ảnh: Thanh Thảo/Vietnam+)

Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thái Dương - Phó Chủ Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, thời gian qua, doanh ngành dệt may đã tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức đoàn viên và người lao động về giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Đặc biệt, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cơ sở tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 của người sử dụng lao động như việc thu gom, xử lý nước thải đáp ứng bảo vệ môi trường; thu gom, phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải; giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải, mùi khó chịu...

"Nhờ đó, hầu hết người lao động đã biết nhận diện loại rác thải nguy hại trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như giẻ lau dầu máy, bóng đèn huỳnh quang thải, dầu thải, mực in thải, bao bì dính và có chứa các thành phần nguy hại, chất thải từ quá trình hồ vải có dung môi hữu cơ... để phân loại, thu gom và xử lý theo quy định,..." ông Dương phấn khởi chia sẻ.

Nhấn mạnh bảo vệ môi trường là nhân tố quan trọng trong bảo đảm chất lượng cuộc sống, ông Vũ Văn Minh - Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Công đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho biết tập đoàn này luôn tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, các chất thải nguy hại được thu gom, quản lý và xử lý theo đúng quy định.

"Theo đó, việc phân loại chất thải được cán bộ công nhân viên các đơn vị phân loại ngay khi không còn khai thác, sử dụng theo các loại có thể tái sử dụng, tái chế, tiêu hủy theo đúng quy định. Việc lựa chọn đơn vị vận chuyển chất thải, đơn vị tiêu hủy chất thải được thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy định; công tác môi trường được cập nhật tập huấn, kiểm tra thường xuyên của các cấp quản lý," ông Minh chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục