Giảm thiệt hại lũ quét với công nghệ M2M và điện toán đám mây

Dự án cảnh báo lũ quét bằng công nghệ M2M và điện toán đám mây triển khai tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam, có khả năng phát hiện sớm các nguy cơ lũ quét và thông báo tới người dân.
Lũ quét gây thiệt hại không nhỏ đến tính mạng và tài sản của người dân. (Ảnh: Công Hải/TTXVN)

Ngày 14/4, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Viễn thông công nghệ thông tin (KDDI - Nhật Bản) và Đại học Waseda (Nhật Bản) phối hợp tổ chức Hội thảo đánh giá dự án “Giám sát và cảnh báo lũ quét sử dụng công nghệ M2M và điện toán đám mây” đựơc xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Dự án "Giám sát và cảnh báo lũ quét sử dụng công nghệ M2M và điện toán đám mây” đựơc triển khai tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam từ tháng 3/2014 đến tháng 4/2015.

Đến nay, KDDI và Đại học Waseda đã phối hợp với các đơn vị chức năng lắp đặt 6 bộ cảm biến, đường truyền, server… nhằm thu thập thông tin để giám sát mực nước và tốc độ nước để cảnh báo lũ cho người dân Nam Trà My.

Tiến sỹ Vũ Trường Thành, giảng viên Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cho biết việc sử dụng công nghệ M2M và điện toán đám mây trong cảnh báo lũ đã tạo ra một số lợi thế nhất định.

Với những thiết bị cảm ứng đã đựơc lắp đặt tại những điểm xung yếu sẽ truyền về trung tâm xử lý những thông số về lũ. Từ đó, tại trung tâm xử lý sẽ tổng hợp và đưa ra quyết định phù hợp với từng mức nhất định.

Cụ thể, nếu có mưa lớn nhưng chưa đến mức lũ thì Trung tâm sẽ nhắn vào hộp thư điện tử của những cán bộ có chức trách trong việc phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương.

Nếu trường hợp, nguy cơ có lũ xảy ra, thì trung tâm cũng sẽ nhắn tin (SMS) vào máy điện thoại của những người có nhiệm vụ phụ trách phòng chống thiên tai để có hướng xử lý kịp thời.

Khi lũ xuất hiện, Trung tâm sẽ truyền chỉ thị đến những bộ phận cảnh báo đựơc gắn ở những điểm xung yếu để hệ thống này phát tín hiệu bằng âm thanh và ánh sáng để cảnh báo cho người dân không được đi qua khi vực này, hoặc có phương án di tản an toàn.

Là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hàng năm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra nhiều trận bão lụt gây thiệt hại lớn về vật chất, tính mạng của người dân.

Bên cạnh đó, Quảng Nam có địa hình phức tạp, lũ lụt xảy ra rất nhanh trong thời gian ngắn nên công tác dự báo, hạn chế tác hại của thiên tai vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, khi dự án “Giám sát và cảnh báo lũ quét sử dụng công nghệ M2M và điện toán đám mây” được đưa vào sử dụng có khả năng phát hiện sớm sự thay đổi mực nước các dòng sông, suối ở thượng nguồn, từ đó phát hiện sớm các nguy cơ lũ quét và thông báo đến người dân để hạn chế tác hại do thiên tai gây ra.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh cho biết việc xây dựng các hệ thống cảnh báo lũ sử dụng công nghệ hiện đại đã góp phần tăng cường năng lực dự báo, phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai.

Sự thành công của dự án không chỉ giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra tại địa phương mà sẽ trở thành một mô hình điểm, từ đó có thể nhân rộng, tạo nên công cụ hữu hiệu góp phần bảo vệ con người trước tác động thường xuyên, khó lường của biến đổi khí hậu./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục