Giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số

Việc nâng cao đời sống, tăng cường ổn định chính trị cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là một minh chứng cụ thể cho việc thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.
Giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số ảnh 1Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 12/11, tại Hà Nội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018” tổ chức Phiên họp thứ nhất.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung chính về thời gian triển khai các hoạt động giám sát đảm bảo tính phù hợp và tiến độ chung cho kế hoạch; lựa chọn địa bàn giám sát đúng yêu cầu, đảm bảo có cơ cấu vùng miền và địa bàn đặc thù.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân đã công bố Nghị quyết số 574/NQ-UBTVQH14 ngày 13/9/2018 về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018.” Theo đó, Đoàn giám sát gồm 18 thành viên, có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch giám sát; báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2019; chuẩn bị dự thảo và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề; chuẩn bị báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

[Giảm nghèo giai đoạn 2016-2020: Không tạo tư tưởng trông chờ, ỷ lại]

Đánh giá dự thảo kế hoạch hoạt động của Đoàn giám sát đã được chuẩn bị khá chi tiết, với sự phân công cụ thể, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng việc thực hiện các chính sách cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách đồng bộ hơn những năm trước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh việc nâng cao đời sống, tăng cường ổn định chính trị cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những minh chứng cụ thể cho việc thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực chất còn cao, việc thực hiện giảm nghèo chưa bền vững vẫn còn khoảng cách lớn về giàu nghèo giữa các vùng, các địa phương; đồng thời vẫn tồn tại tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách Nhà nước…

Giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số ảnh 2Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát trong quá trình xây dựng, thực hiện kế hoạch hoạt động cần tuyên truyền, thúc đẩy nhận thức trách nhiệm chủ động của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong việc nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần.

Khẳng định “làm công tác dân tộc phải hết sức kiên trì,” bà Tòng Thị Phóng cho rằng đây là nội dung quan trọng góp phần giáo dục, tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đề cao trách nhiệm của cán bộ từ cấp cơ sở trở lên. Bên cạnh đó, quá trình cân đối nguồn lực, lồng ghép chính sách, quản lý điều hành thực hiện các chính sách... còn đang chồng chéo, phân tán, do đó Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng cần kiến nghị có quyết nghị chính thức của Quốc hội về đầu tư và phát triển cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới, vùng nghèo.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, việc phân công các nội dung giám sát cần bám sát Nghị quyết của Quốc hội, xác định trách nhiệm cân đối nguồn lực của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách các chương trình giảm nghèo. Hoạt động giám sát cần đi vào các việc cụ thể như giám sát kỹ việc thực hiện hỗ trợ các đối tượng để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, vấn đề ưu đãi tín dụng phát triển sản xuất, đầu tư cho hạ tầng theo trọng tâm từng vùng; vấn đề chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non cũng như chất lượng giáo dục nói chung; khoanh vùng, điều chỉnh chính sách cử tuyển so với thời kỳ trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục