Giám sát việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên

Mục đích cuộc giám sát nhằm xem xét, đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để triển khai các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; đánh giá những kết quả đã đạt được...
(Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)

Chiều 29/10, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” đã họp phiên thứ nhất. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng đoàn Giám sát chủ trì phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, mục đích cuộc giám sát nhằm xem xét, đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để triển khai các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; đánh giá những kết quả đã đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện, từ đó đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan và công tác chuẩn bị để đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại tự do mới.

Về yêu cầu giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, các thành viên Đoàn Giám sát xem xét, đánh giá đầy đủ, trung thực, khách quan, đúng quy định của pháp luật; bố trí khoa học, tránh chồng chéo. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, từng thành viên Đoàn Giám sát phát huy hết trách nhiệm của mình, bảo đảm đúng thời gian và tiến độ phân công.

Theo Kế hoạch giám sát, nội dung giám sát gồm việc ban hành và tổ chức triển khai chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; rà soát các quy định của pháp luật trong nước còn chưa phù hợp trong quá trình thực hiện các Hiệp định này.

[Thực thi EVFTA: Thách thức từ cạnh tranh nguồn lực lao động]

Đoàn Giám sát cũng giám sát thực trạng công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, cũng như trong triển khai các kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế do Thủ tướng Chính phủ ban hành; tập trung làm rõ, xác định nguyên nhân của những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện; công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm các quy định pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, nội dung giám sát cũng tập trung vào các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; công tác chuẩn bị pháp luật để đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do mới trong thời gian tới.

Về phạm vi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên trên phạm vi cả nước; thời gian từ khi các Hiệp định có hiệu lực đến năm 2019.

Liên quan đến đối tượng giám sát, cơ quan chịu sự giám sát ở Trung ương gồm: Chính phủ; các bộ, ngành (Công Thương, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và một số cơ quan liên quan); Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… Đối với cơ quan chịu sự giám sát ở địa phương, Ủy ban Nhân dâncác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về nội dung chuyên đề giám sát thuộc phạm vi của tỉnh, thành phố, địa phương.

Theo Kế hoạch, Đoàn Giám sát sẽ tổ chức cuộc họp, làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại Trung ương về tình hình thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; tổ chức các Đoàn công tác để tiến hành giám sát tại địa phương, cơ sở.

Sau đó, Đoàn sẽ hoàn thành báo cáo kết quả giám sát chuyên đề, báo cáo Ủy ban Thường vụ tại phiên họp tháng 9/2020; xây dựng dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua và chuẩn bị báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.

Thảo luận các phiên họp, đại biểu cơ bản nhất trí về kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo chuyên đề giám sát...; đồng thời cho rằng doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của các Hiệp định Thương mại tự do này.

Vì vậy, một số đại biểu đề nghị, trong quá trình triển khai, Đoàn Giám sát nên làm việc với các doanh nghiệp nhằm đánh giá chính xác kết quả thực hiện các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Một số ý kiến lưu ý, thành phần Đoàn Giám sát nên bổ sung đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam... bởi các Hiệp định FTA tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục