Giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ: Tạo niềm tin với nhân dân

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy cho biết: Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy cho biết Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Mục đích kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản nhằm bảo đảm việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các khuyết điểm, vi phạm trong việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.

Chủ thể kiểm tra là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Chủ thể giám sát là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chi bộ nơi cán bộ đang sinh hoạt.

Các Tỉnh ủy, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc Trung ương, trên cơ sở Quy định này ban hành Quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp mình quản lý.

Nhìn nhận về quy định này, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết ông đánh giá cao quy định này vì thực tế việc kê khai tài sản đã được thực hiện nhiều năm nhưng kết quả chưa tốt. Kê khai đúng hay sai không ai biết, kê khai xong, cơ quan có thẩm quyền lại cất đi.

Theo ông Đường, chủ trương kê khai tài sản đã có từ lâu, làm chưa tốt, bây giờ phải làm tốt hơn bằng việc kiểm tra, giám sát việc kê khai đó. Kiểm tra để phát hiện cái đúng, cái sai của việc kê khai. Chủ trương này thể hiện tinh thần quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đã đề ra, từ đó tổ chức thực hiện ngày càng tốt hơn.

Nói về đối tượng kiểm tra, giám sát là các cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, khoảng 1.000 người, ông Đường cho rằng đây là đối tượng quan trọng nhất.

Đội ngũ cán bộ có chức, có quyền thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, là những người hoạch định chính sách pháp luật của quốc gia, người giữ vai trò rất quan trọng.

“Xem sự trung thực trong việc kê khai tài sản của các đối tượng này như thế nào tôi cho là việc làm rất tốt, rất đúng. Trước mắt, cần kiểm tra, giám sát đối tượng này," ông Đường cho hay.

Ông bày tỏ mong muốn chủ trương này được thực hiện nghiêm túc. Chủ trương đúng nhưng việc thực hiện kiểm tra, giám sát phải kỹ càng, đi sâu phân tích, đánh giá và tìm kiếm các nguồn thông tin, nhất là từ phía nhân dân.

"Từ nguồn thông tin của nhân dân, phải làm hết sức tỉ mỉ, cẩn thận và có trách nhiệm nhiệt huyết cao, việc kiểm tra, giám sát mới có hiệu quả," ông Đường nêu quan điểm.

Là người thuộc diện phải kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản theo quy định của Bộ Chính trị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung cho biết đồng tình với chủ trương này và thấy đây là việc nên làm.

Bà sẵn sàng chấp hành và mong muốn chủ trương đúng đắn này sẽ được đa số cán bộ giữ chức danh chức vụ ủng hộ, thực hiện nghiêm túc, đó cũng là cơ sở tạo niềm tin đối với các tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Bà Dung cho rằng những cán bộ đang giữ chức danh, chức vụ thuộc diện kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đều là những người có bề dày công tác, có quá trình đóng góp và đều được tiến hành kê khai tài sản hàng năm kể từ khi có Luật phòng, chống tham nhũng.

Đây là việc cần tiếp tục làm để làm rõ hơn khối tài sản của những cán bộ đó từ đâu ra, từ nguồn thu nhập nào. Điều này thể hiện sự minh bạch về tài sản, thu nhập, đặc biệt là những đóng góp của bản thân cá nhân từng người giữ chức danh, chức vụ đó đối với đất nước.

Theo bà, người có tài sản được công khai sẽ rất thoải mái khi tài sản của mình có nguồn gốc chính đáng, hợp pháp. Mọi thứ được công khai, minh bạch, người dân được biết, chia sẻ và hiểu được cán bộ của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục