Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, sáng 23/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.”
Đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan
Báo cáo Kế hoạch chi tiết và các Đề cương báo cáo giám sát chuyên đề, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết kế hoạch giám sát chi tiết nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan tình hình và kết quả thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Trong mỗi vấn đề làm rõ tình hình, thực trạng và thực hiện chính sách, pháp luật; kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế, yếu kém, bất cập; nguyên nhân; bài học kinh nghiệm, đặc biệt mối quan hệ và bài học kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng với công tác phòng, chống dịch.
Đồng thời, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, khả thi của chính sách, pháp luật; làm rõ ưu, nhược điểm của việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với từng nội dung, lĩnh vực giám sát; xác định trách nhiệm của các chủ thể, đối tượng giám sát liên quan đến từng nội dung giám sát.
Đề xuất, kiến nghị giải pháp để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý nhằm phát huy kết quả đạt được, kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho từng chủ thể có liên quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền với thời hạn, lộ trình cụ thể, phù hợp…
Giai đoạn giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên phạm vi cả nước, từ 1/1/2020 đến hết 31/12 2022. Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên phạm vi cả nước, từ 1/1/2018 đến hết 31/12/2022.
Nội dung giám sát tập trung vào việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 như vật lực, tài lực (gồm ngân sách nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; viện trợ ngoài nước; các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; nguồn lực huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước); nhân lực (gồm lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch được huy động trong ngành y tế, quân đội, công an; lực lượng nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng).
Bên cạnh đó, giám sát việc tổ chức hệ thống y tế cơ sở, điều kiện đảm bảo và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế cơ sở; việc ban hành văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở; hệ thống tổ chức y tế cơ sở, mối quan hệ giữa các cơ sở thuộc tuyến y tế cơ sở và việc đáp ứng với thực hiện chức năng nhiệm vụ; cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với y tế cơ sở; phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính cho y tế cơ sở; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nguồn nhân lực bảo đảm cho hoạt động của y tế cơ sở; kết quả thực hiện bao gồm các nhiệm vụ thường xuyên và trong phòng, chống đại dịch, ứng phó với thảm họa...
Đoàn giám sát dự kiến giám sát trực tiếp tại 14 bộ, ngành (Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Y tế; Nội vụ; Lao động-Thương binh và Xã hội; Quốc phòng; Công an; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kiểm toán Nhà nước; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước; Bảo hiểm xã hội Việt Nam); 12 tỉnh, thành phố (Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh; Hưng Yên; Quảng Ninh; Yên Bái; Nghệ An; Huế (hoặc Đà Nẵng); Kon Tum; Phú Yên; An Giang (hoặc Đồng Tháp); Cần Thơ; Tây Ninh (hoặc Bà Rịa-Vũng Tàu).
Làm rõ cơ sở, căn cứ thực hiện giám sát
Tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần làm rõ cơ sở, căn cứ thực hiện giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, để đánh giá cụ thể, chính xác.
Đề nghị làm rõ một số rủi ro, vấn đề lớn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong huy động các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 có nguồn lực trong nước và nguồn lực nước ngoài. Riêng đối với nguồn lực nước ngoài có vấn đề tiếp nhận, mua sắm vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế…
Chủ tịch Quốc hội gợi ý tập trung giám sát nguồn vaccine với các cơ chế viện trợ, mua sắm, phân phối, sử dụng... Bên cạnh đó cần làm rõ chủ trương nghiên cứu, sản xuất, chế tạo vaccine, các vật tư, thiết bị trong nước.
“Chúng ta lo dịch chồng dịch, dịch còn diễn biến phức tạp, sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ… Do đó, vấn đề tự lực, tự cường trong chống dịch rất quan trọng, phải giám sát đã làm đến đâu," Chủ tịch Quốc hội nêu, đồng thời gợi mở, cần tập trung xem xét việc quản lý huy động và sử dụng nguồn lực nhà nước (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các quỹ dự phòng…).
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đối với phạm vi nội dung, công tác giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thiết thực, làm rõ trách nhiệm giải trình và đề xuất các biện pháp phù hợp để hoàn thiện cơ chế, chính sách, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong thời gian tới.
Về phạm vi văn bản, trên cơ sở 103 văn bản về việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19; 59 văn bản về y tế cơ sở, y tế dự phòng, cần làm rõ tính kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, khả thi, thể chế hóa các văn bản của Đảng, Nhà nước; trách nhiệm tổ chức thực hiện và giải trình, trong đó có trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm kỷ luật…
“Qua giám sát phát hiện nghi phạm chuyển cơ quan điều tra xử lý tiếp...,” Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.
Về đối tượng báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất không yêu cầu Thường trực Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện giám sát độc lập mà giao Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng Nhân dân thực hiện giám sát chuyên đề tại các địa phương và có báo cáo chung; khuyến khích Thường trực Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát riêng./.