Giám sát về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề về quản lý thị trường bất động sản để thực hiện giám sát tối cao có ý nghĩa cả về lý luận, thực tiễn.
Toàn cảnh Phiên họp. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội Việt Nam)

Chiều 24/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023” đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Đoàn giám sát.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định việc Quốc hội quyết định lựa chọn chuyên đề này để thực hiện giám sát tối cao có ý nghĩa cả về lý luận, pháp lý, thực tiễn, đòi hỏi sự nỗ lực, tích cực, chủ động không ngừng của Đoàn giám sát và từng thành viên.

Kết quả của chuyên đề giám sát này phải nhận diện chính xác thực trạng, nhất là vấn đề mới, nóng đang đặt ra, đề xuất các giải pháp toàn diện, đủ mạnh, đáp ứng sự kỳ vọng của toàn xã hội, cử tri và nhân dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu Đoàn giám sát tiếp tục đôn đốc việc gửi báo cáo của Chính phủ và các địa phương; các chủ thể, đối tượng giám sát thực hiện nghiêm quy định tại Điều 7 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Đoàn giám sát triển khai làm việc trực tiếp với các địa phương; làm việc với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; hoàn thiện dự thảo Báo cáo giám sát và xây dựng dự thảo Nghị quyết giám sát để báo cáo tại Phiên họp thứ ba của Đoàn giám sát.

Về định hướng xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng cần tiếp tục có sự đầu tư, nhất là các nhóm vấn đề đang đặt ra về quản lý thị trường bất động sản và về phát triển nhà ở xã hội, từ cơ chế, chính sách, thực trạng tổ chức triển khai thực hiện, trách nhiệm, cơ chế phối hợp, kết quả, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân, kiến nghị, đề xuất... mang tính cốt lõi, gốc của vấn đề.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn – Trưởng Đoàn giám sát phát biểu khai mạc Phiên họp. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội Việt Nam)

Cùng với đó, Đoàn giám sát phải giải đáp cho được tính đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Phạm vi giám sát từ năm 2015 đến hết năm 2023, tức là trong thời gian áp dụng Luật Đất đai năm 2013, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014.

Vừa qua, Quốc hội đã xem xét sửa đổi, bổ sung và thông qua 3 luật: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Do vậy, trong quá trình làm việc, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đối tượng giám sát đối chiếu những vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật giai đoạn 2015-2023 với các luật mới được sửa đổi, bổ sung, tránh kiến nghị những nội dung đã được làm rõ trong các luật mới ban hành, bảo đảm đề xuất về hoàn thiện pháp luật đúng trọng tâm, có giá trị cho công tác xây dựng pháp luật trong giai đoạn tới.

Ngoài ra, Đoàn giám sát cần làm rõ những nội dung mới đặt ra, thực tiễn “nóng,” lỗ hổng, vướng mắc, rào cản từ cơ chế, trình tự, thủ tục, những điểm nghẽn, nút thắt, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, mối quan hệ phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện, về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý Đoàn giám sát cần tham khảo, tận dụng tối đa các kết quả giám sát trước đó có liên quan; quá trình tổng kết việc thực hiện các luật, cơ chế, chính sách khác có liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; tham khảo kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chuyên đề, chuyên ngành của các cơ quan chuyên môn có liên quan.

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo tổng hợp sơ bộ và Báo cáo các đối tượng giám sát, Báo cáo của các cơ quan liên quan, Báo cáo kết quả của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố, những vấn đề cần quan tâm trước khi làm việc với các bộ, ngành và địa phương.

Các thành viên cũng thảo luận, làm rõ, thống nhất việc triển khai công việc tiếp theo của Đoàn giám sát trong thời gian tới, đồng thời cho ý kiến định hướng để xây dựng Báo cáo giám sát và Nghị quyết giám sát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục