Giám sát người cách ly tại nhà bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt

Việc quản lý, giám sát cách ly tại nhà đối với các ca nghi nhiễm COVID-19 sẽ được triển khai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giúp giảm tải cho công tác phòng chống dịch.
Phần mềm VHD do Viettel Solutions phát triển đã tích hợp chức năng giám sát cách ly. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai thí điểm giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà bằng phần mềm VHD (VietNam Health Declaration) sau khi đã thử nghiệm ở một số điểm.

Giám sát người cách ly bằng phần mềm VHD

Việc thực hiện cách ly các trường hợp F1 tại nhà đã được Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thí điểm bằng ứng dụng VietNam Health Declaration (VHD). Đây cũng là giải pháp được Bộ Y tế lựa chọn triển khai thí điểm cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh.

Theo Ông Lưu Thế Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp Y tế số (Viettel Solutions), đơn vị phát triển ứng dụng, sau giai đoạn thử nghiệm, đơn vị này ghi nhận hệ thống thực hiện tốt việc quản lý lịch khai báo tại nhà của người cách ly và nhắc nhở người cách ly song song với cảnh báo cho cán bộ y tế khi người cách ly không khai báo y tế. 

[TP.HCM: Hơn 2.000 trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà]

Cụ thể, người cách ly tại nhà sẽ được yêu cầu sử dụng smartphone. Khi đến thời điểm nhất định trong ngày, họ sẽ phải thực hiện check in bằng nhận diện khuôn mặt để khai báo y tế.

"Trên thế giới hiện có Singapore cũng triển khai các giải pháp giám sát cách ly tại nhà tương tự như trên. Ở Việt Nam, việc có áp dụng rộng rãi hay không cần sự cân nhắc kỹ càng từ phía Bộ Y tế," ông Thế Anh chia sẻ.

Trước mắt, đơn vị phát triển đang phối hợp với Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh để triển khai giải pháp tại địa phương. Sau đó, giải pháp này sẽ được triển khai trên toàn quốc khi Bộ Y tế chính thức công nhận việc F1 hoặc F0 có thể tự cách ly tại nhà.

Trước đó, vào ngày 20/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) đã họp trực tuyến với các quận, huyện về triển khai cách ly y tế tại nhà cho F1 trên địa bàn.

Theo đó, khi F1 có nguyện vọng được cách ly tại nhà sẽ đăng ký hồ sơ tại trạm y tế phường, xã nơi mình cư trú. Các trạm y tế sau khi tiếp nhận sẽ gửi danh sách này về ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã. Ban chỉ đạo nơi tiếp nhận sẽ cử tổ thẩm định đến đánh giá yêu cầu cơ sở vật chất nơi cách ly mà F1 đăng ký.

Theo ông Lưu Thế Anh, giải pháp giám sát cách ly tại nhà có hai tùy chọn bắt buộc phải triển khai. Thứ nhất là người dân phải có smartphone, thứ 2 là trên điện thoại di động, khi cài ứng dụng phải có nhận diện khuôn mặt để check in y tế.

Người cách ly tại nhà sẽ được giám sát bằng phần mềm VHD. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Khi người dân thực hiện việc check in để khai báo y tế tại nhà, ứng dụng sẽ cảnh báo cho đơn vị quản lý về việc người cách ly đã khai báo hay chưa. Thời điểm khai báo sẽ có các khung giờ khác nhau, do cơ sở y tế quy định.

Người dân chỉ sử dụng điện thoại cơ bản với chức năng nghe, gọi có thể đăng ký cách ly tại nhà qua số điện thoại. Hàng ngày, cán bộ y tế và công an phường sẽ đến kiểm tra người cách ly về việc tuân thủ cách ly tại nhà, cập nhật tình trạng sức khỏe của người cách ly.

Đảm bảo ứng dụng có thể triển khai trên toàn quốc

Ông Lưu Thế Anh - Đại diện đơn vị phát triển ứng dụng VHD, cho biết phần mềm đã được triển khai thí điểm tại ít nhất một phường, xã thuộc thành phố Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi hoàn tất giai đoạn thí điểm, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Sở Y tế sẽ phối hợp tham mưu triển khai nhân rộng trên toàn thành phố.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 4 lớp tập huấn trực tuyến cho 250 điểm cầu và tạo 22 kênh hỗ trợ cho các địa phương. Các tổng đài viên của cổng 1022 cũng được tập huấn để sẵn sàng hỗ trợ cung cấp thông tin cho người dân. Các đơn vị chuẩn bị đầy đủ máy tính và đường truyền để phục vụ cho công tác giám sát.

Ông Thế Anh cũng thông tin thêm, khi người cách ly không khai báo sẽ có tin nhắn gửi tới người quản lý về việc đối tượng đang nằm ngoài khu vực cách ly.

Về quy trình xử lý, khi người cách ly ra khỏi khu vực cư trú, lực lượng y tế địa phương và công an phương sẽ xuống để giám sát, xác nhận tình hình. Sau đó, lực lượng chức năng sẽ thực hiện các biện pháp tiếp theo trong trường hợp người cách ly ra khỏi nơi cư trú.

Liên quan đến việc quản lý thông tin người cách ly và công tác truy vết ca bệnh, ông Thế Anh cho hay mới đây, Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia đã được thành lập trên nền tảng công nghệ.

Tất cả dữ liệu thu thập được thông qua các ứng dụng khai báo sẽ được đẩy về trung tâm này. Do đó, nếu sử dụng hiệu quả các ứng dụng với nhiều tính năng khác nhau, có thể giám sát hiệu quả người cách ly, nhanh chóng khoanh vùng, truy vết trong trường hợp cần thiết.

Việc truy xuất vị trí đối tượng, xem họ di chuyển tới đâu, qua những  vùng nào sẽ chỉ được thực hiện khi có yêu cầu từ Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19. Đến lúc đó, ngành y tế, viễn thông và thậm chí cả công an sẽ cùng tham gia vào cuộc.

 
Viettel Solutions - Đơn vị phát triển ứng dụng quản lý người cách ly. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Về việc tích hợp các ứng dụng phòng chống dịch COVID-19, ông Thế Anh cho biết mỗi ứng dụng có một ý nghĩa và chức năng khác nhau. Việc tích hợp dữ liệu tuy không khó nhưng nếu dùng chung một ứng dụng sẽ không thuận tiện cho cơ quan có thẩm quyền kiểm soát thông tin theo từng nhóm đối tượng, nguy cơ và mục đích khác nhau.

Vì vậy, nhiều khả năng các đơn vị phát triển ứng dụng cùng cơ quan quản lý nhà nước vẫn duy trì ứng dụng phục vụ cho công tác phòng chống dịch hiện tại và hỗ trợ hoạt động chung của ngành y tế sau này.

Cũng theo đại diện Viettel Solutions, mỗi quy trình để được triển khai đều có sự cân nhắc rất kỹ từ phía Bộ Y tế. Trước mắt, sẽ thử nghiệm triển khai giải pháp cách ly tại nhà bằng nhận diện khuôn mặt ở một khu vực nhỏ. Sau đó, từ địa điểm này sẽ rút kinh nghiệm để triển khai trên toàn quốc. Ông Thế Anh cũng đảm bảo rằng việc triển khai giải pháp này có thể chạy được như nhau dù tại một địa phương hay trên toàn quốc. 

Mong muốn của đơn vị phát triển ứng dụng VHD là được kết hợp thiết bị theo dõi cách ly vào phần mềm quản lý khai báo. Đây sẽ là giải pháp tốt nhất phục vụ việc giám sát cách ly y tế tại nhà không chỉ khu vực Thành phố Hồ Chí Minh mà trên toàn quốc. 

Cách thức đăng ký, khai báo cách ly trên ứng dụng VHD

Người dùng cài đặt ứng dụng Vietnam Health Declaration (VHD) trên hệ điều hành IOS hoặc Android.

Sau khi tải ứng dụng về điện thoại hoàn tất, trên màn hình đăng nhập của ứng dụng, người dùng nhập số điện thoại để đăng nhập/đăng ký tài khoản, rồi ấn vào nút Nhận mã OTP.

Tiếp theo, người dùng điền mã xác nhận OTP và nhấn nút Xác nhận. Mỗi người dân sẽ được cấp một tài khoản dựa trên số thuê bao di động của mình.

Giao diện của ứng dụng Vietnam Health Declaration. Người dùng tại khu vực bị cách ly lựa chọn Đăng ký khai báo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) 
Người dùng điền đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân để tiến hành khai báo với cơ quan chức năng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Người dùng cũng phải cập nhật tình trạng sức khoẻ hiện tại cho cơ quan chức năng nắm rõ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khi khai báo xong, người dùng sẽ xác nhận bằng khuôn mặt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Người dùng đăng ký khai báo nhận diện khuôn mặt đủ 3 ảnh và vị trí cách ly tại nhà. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Người dùng cũng sẽ phải xác nhận vị trí hiện tại có nằm trong khu vực cách ly hay không. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thời điểm khai báo sẽ có các khung giờ khác nhau, do cơ sở y tế quy định. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục