Giám sát ngân sách hướng tới nền tài chính công hiệu quả, minh bạch

Việc nâng cao chất lượng trong quyết định và giám sát ngân sách sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn chi từ ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả sử dụng tiền thuế của người dân.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Văn Sơn/TTXVN)

Ngày 17/8 tại thành phố Đà Nẵng đã khai mạc Hội nghị hợp tác quốc tế lần thứ 6 giữa các nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar nhằm trao đổi kinh nghiệm trong quyết định và kiểm tra, giám sát về ngân sách, hướng tới nền tài chính công hiệu quả, minh bạch.

Hội nghị do Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Bên cạnh đoàn đại biểu của bốn quốc gia còn có sự tham dự của các chuyên gia quốc tế có uy tín trong lĩnh vực tài chính-ngân sách.

Phát biểu tại phiên khai mạc, tiến sỹ Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc nhấn mạnh nền kinh tế thế giới đang từng bước phục hồi sau khủng hoảng nhưng kèm theo các hệ lụy về nợ công, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bẫy thu nhập trung bình hay khoảng cách giàu nghèo gia tăng...

Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar đều là nền kinh tế đang phát triển, đang từng bước hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, bất cứ chuyển động nào của kinh tế thế giới đều tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến kinh tế của các nước đang phát triển.

Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, vừa bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đây cũng sẽ là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong khi nền kinh tế còn vấn đề cần giải quyết như chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, chất lượng nguồn nhân lực...

Bên cạnh đó, thách thức thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực, sự bắt kịp và vượt qua bẫy thu nhập trung bình cũng đang là bài toán đặt ra đối với kinh tế của Việt Nam. Đây cũng là những vấn đề có thể đặt ra đối với Lào, Campuchia và Myanmar - các nước có nền kinh tế khá tương đồng với Việt Nam.

Trong xu thế đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, vị trí và vai trò của Quốc hội Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao. Quốc hội Việt Nam với ba chức năng cơ bản là lập hiến, lập pháp và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Trong đó, việc quyết định và giám sát về ngân sách nhà nước là một nội dung quan trọng, có tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế.

Việc nâng cao chất lượng trong quyết định và giám sát trong lĩnh vực tài chính, ngân sách sẽ nâng cao được chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư, các nguồn chi từ ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả sử dụng tiền thuế của người dân. Từ đó có hướng đi và định hướng phát triển kinh tế đúng đắn, góp phần đưa đất nước hội nhập sâu và phát triển một cách toàn diện, vững chắc...

Trong thời gian hai ngày (17-18/8), hội nghị sẽ tập trung vào các nội dung chính: Kinh nghiệm trong xây dựng, điều hành, kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước; Kinh nghiệm trong quyết định giám sát ngân sách nhà nước hướng tới nền tài chính công minh bạch, hiệu quả; Kết quả đạt được sau Hội nghị lần thứ 5 tổ chức tại Vientiane, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Kế hoạch hành động và ký kết Kế hoạch Hợp tác tương lai.

Hội nghị là cơ hội tốt để các nước trao đổi về những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình quyết định và giám sát ngân sách nhà nước theo hướng hiệu quả, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Đây cũng sẽ là những kinh nghiệm quý, hữu ích trong việc xem xét, nghiên cứu để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho các nước trong tình hình mới.

Hội nghị cũng là cơ hội để thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục