Ngày 30/12, Đoàn công tác của Bộ Y tế gồm Viện Pasteur Nha Trang, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Sở Y tế Quảng Ngãi đã về xã Ba Điền, huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi để giám sát lại tình hình dịch tễ, kiểm tra các ca bệnh hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân và bệnh nhân mới mắc bệnh trong năm 2013.
Qua kiểm tra thực tế tại thôn Làng Rêu, xã Ba Điền (thôn có số ca bệnh mắc nhiều nhất tại xã Ba Điền trong các năm 2011, 2012), tiến sỹ Viên Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, cho biết nhiều bệnh nhân cũ đã mạnh khỏe trở lại, đi làm đồng ruộng bình thường, nhiều người dân đã làm nhà mới.
Tình hình vệ sinh đã được cải thiện, chuồng lợn, chuồng bò và nhà chòi chất củi của bà con đã được chuyển ra xa nơi ở. Riêng một số nhà vẫn cất lúa trong chòi gây ẩm mốc.
Thời điểm trước Tết Nguyên đán, hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại xã Ba Điền, huyện miền núi Ba Tơ thường bùng phát theo chu kỳ. Tuy nhiên đến thời điểm này, vẫn chưa phát hiện ca bệnh mới hoặc tái phát.
Trong đợt kiểm tra này, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk cấp phát 300 suất sữa cho người già và học sinh trong xã.
Trước đó, để giúp người dân xã Ba Điền được nâng cao thể trạng và phòng chống lây bệnh, ngành y tế Quảng Ngãi tổ chức khám định kỳ, cấp phát thuốc cho bà con.
Từ tháng 8/2013 đến nay, Trung tâm y tế dự phòng Quảng Ngãi tiến hành cấp phát xà phòng miễn phí hàng tháng cho tất cả 405 hộ dân của xã Ba Điền để tắm rửa, vệ sinh hàng ngày. Mới đây, Viện Khoa học Việt Nam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân thôn Làng Rêu.
Ông Phạm Văn Bút, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, cho biết từ tháng 4/2013 đến nay, tình hình dịch bệnh đã tạm ổn, không có người dân nào mắc bệnh mới và cũng không ca bệnh cũ nào tái phát.
Những tháng qua bà con vui vẻ, trở lại cuộc sống bình thường như trước đây; bà con cũng bớt lo ngại và bây giờ đang chuẩn bị lợn, gà ăn Tết.
Riêng về nông, lâm nghiệp, nhờ sự đầu tư tích cực của Trạm khuyến nông huyện, nên năng suất lúa đạt 46 tạ/ha; chăn nuôi cũng phát triển; keo vào mùa thu hoạch, bà con bán tương đối nhiều./.