Ngày 6/9 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị tổng kết Dự án “Giám sát cúm gia cầm và các bệnh chung khác ở góc độ tương tác giữa người và động vật tại Việt Nam giai đoạn 2017-2022."
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, giám sát cúm gia cầm và các bệnh chung khác ở góc độ tương tác giữa người và động vật là cách tiếp cận toàn diện giúp Việt Nam khống chế cúm gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn lực đảm bảo phát triển chăn nuôi an toàn. Từ đó, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Những kết quả của dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc chủ động các giải pháp phòng ngừa các mối đe dọa đối với bệnh cúm gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Việc thu thập thông tin một các thường xuyên và phân tích định kỳ, chia sẻ thông tin giúp phát hiện sớm đáp ứng kịp thời việc kiểm soát và phòng ngừa sự xâm nhập và lây truyền virus cúm gia cầm và các virus lây truyền từ động vật sang người.
“Từ việc giám sát chúng ta đã có những giải pháp phòng chống dịch bệnh như: an toàn sinh học, tiêm phòng vaccine, xử lý ổ dịch và đầu tư trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực. Qua đó, nâng cao năng lực thú y và nhận thức của người chăn nuôi để triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống cúm gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người," Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ ra.
Ông Bryan Kim, Phó Giám đốc quốc gia Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đã ghi nhận nhiều ca bệnh tử vong do cúm A/H5N1, SARS, A/H1N1 và gần đây nhất là đại dịch COVID-19 lấy đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới. Các loại virus cúm gia cầm như cúm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 vẫn tiếp tục gây ốm, chết trên đàn gia cầm, gây tổn thất lớn về kinh tế và gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh sang con người.
“Không có nguy cơ nào lớn hơn nguy cơ đại dịch cúm gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Giám sát các bệnh lây truyền từ động vật sang người là nền tảng giúp chúng ta hiểu hơn về các loại virus, nguồn gốc virus, khi nào loài vật nào bị nhiễm bệnh," ông Bryan Kim nhấn mạnh.
[Phòng chống dịch bệnh trên động vật trong thời điểm cuối năm]
Ông Bryan Kim cũng cho rằng việc thu thập thông tin một cách thường xuyên, phân tích định kỳ và chia sẻ thông tin sẽ giúp chúng ta có cơ hội phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời việc kiểm soát và phòng ngừa sự xâm nhập và lây truyền virus cúm gia cầm và các virus lây truyền từ động vật sang người có khả năng gây đại dịch.
Trong giai đoạn 2017-2022, dự án đã hỗ trợ và đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu về dịch tễ, giám sát dịch bệnh, phân tích số liệu và chẩn đoán xét nghiệm bệnh cúm gia cầm và bệnh dại cho hơn 1.000 lượt cán bộ ngành thú y; hỗ trợ lấy mẫu và xét nghiệm được là trên 25.000 mẫu gộp tại 28 tỉnh, thành phố, cao gấp hơn 2 lần so với giai đoạn 2012-2017. Trong số 127 huyện được giám sát, đã có 60 huyện xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm, chiếm 46,9%.
Ông Phan Quang Minh, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y, cho biết kết quả giám sát là cơ sở để cảnh báo sớm về dịch bệnh cúm gia cầm, cung cấp bằng chứng quan trọng để Cục Thú y thông báo lưu hành virus, khuyến cáo lựa chọn chủng loại vaccine cúm gia cầm phù hợp với từng địa phương.
Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ giải trình tự gene và các phân tích đánh giá các đặc tính di truyền và đặc tính kháng nguyên của virus cúm gia cầm phân lập được tại Việt Nam để đề xuất các giải pháp sử dụng vaccine phù hợp. Trong giai đoạn từ tháng 10/2017-9/2022, Cục Thú y gửi sang CDC Hoa Kỳ gần 10.500 mẫu dương tính với virus cúm gia cầm để CDC Hoa Kỳ.
Trước thực trạng bệnh dại có khả năng trỗi dậy và là nguy cơ lớn đối với sức khỏe cộng đồng, CDC Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực giám sát, chẩn đoán xét nghiệm bệnh dại. Đồng thời, tiến hành chủ động giám sát bệnh dại ở chó nuôi tại 8 tỉnh: Phú Thọ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Long An, Quảng Trị, Lào Cai.
Ông Phan Quang Minh cho biết với những kết quả hợp tác tích cực, có hiệu quả trong nhiều năm qua, CDC Hoa Kỳ đã có thông báo về việc có thể xem xét, hỗ trợ Cục Thú y Việt Nam tiếp tục xây dựng Dự án mới về tăng cường năng lực và tổ chức triển khai các hoạt động về giám sát bệnh cúm gia cầm, bệnh dại và bệnh truyền nhiễm khác ở góc độc tương tác giữa người và động vật tại Việt Nam, trong 5 năm (từ tháng 10/2022-9/2027).
Trước mắt, CDC Hoa Kỳ đã chấp thuận và cấp khoản kinh phí 690.000 USD để Cục Thú y triển khai năm đầu tiên của dự án mới./.