Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường, chiều 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Bảo đảm quyền lợi của người dân
Phát biểu tại tổ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ủng hộ chủ trương đầu tư dự án bằng ngân sách Nhà nước để sớm triển khai hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam từ tỉnh Lạng Sơn đến tỉnh Cà Mau, tập trung vào các dự án chưa triển khai và thúc đẩy các dự án đang triển khai.
Để làm tốt những dự án đang và sắp triển khai, Chủ tịch nước đề nghị cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư như quy hoạch, thiết kế... đi liền với công tác giải phóng mặt bằng, trong đó, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân trong khu vực giải tỏa, mà trước hết phải tổ chức tốt nơi tái định cư cho người dân.
Nhấn mạnh việc chống thất thoát, lãng phí trong thực hiện các dự án, Chủ tịch nước cho rằng, các đơn vị thi công thực hiện dự án phải đáp ứng đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm, thiết bị thi công; bên cạnh đó phải chấm dứt tình trạng “bán thầu.”
“Nhiều đơn vị nhờ quan hệ nên nhận được gói thầu, sau đó bán thầu cho đơn vị khác, qua nhiều bước trung gian, làm giảm chất lượng công trình do hao hụt định mức vật tư. Đây là kinh nghiệm hết sức sâu sắc,” Chủ tịch nước chỉ rõ.
Chủ tịch nước lưu ý, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác kiểm toán, giám sát, thanh tra, kiểm tra theo đúng yêu cầu thiết kế dự án, không thể buông lỏng để chống thất thoát. Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về những vấn đề này để đẩy nhanh tiến độ, khớp nối các dự án thành phần.
Quá trình đấu thầu phải lựa chọn đơn vị tốt nhất, tránh tình trạng thất thoát có thể xảy ra thông qua việc chỉ định thầu. Tất cả những cách làm này bảo đảm quá trình liên tục, đồng thuận, đồng bộ, tạo điều kiện cho các địa phương, trong đó có yêu cầu về vật liệu xây dựng của các dự án.
“Việc làm cao tốc Bắc-Nam, kể cả những đoạn đang dở dang, đặc biệt là 746km còn lại là yêu cầu cần thiết cho phát triển đất nước, mong rằng Quốc hội sẽ thông qua với các cơ chế giám sát của Quốc hội một cách cụ thể. Chúng ta tạo điều kiện để có sự chủ động nhưng đồng thời phải tăng cường giám sát để chống thất thoát, lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình,” Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Quan tâm đến tái định cư
Nhấn mạnh về dự kiến quy mô giải phóng mặt bằng, tái định cư để phục vụ dự án lớn, dễ gây khiếu nại, tố cáo, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ cùng với việc đảm bảo được tiến độ theo đúng kế hoạch, cần quan tâm đến vấn đề bố trí tái định cư.
“Nếu giao trách nhiệm giải phóng mặt bằng cho địa phương nhưng không có cơ chế về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Người dân khi chuyển đến nơi khác thường gặp khó khăn về tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh. Vì vậy, tôi đề nghị phải có chế tài gắn với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền ở 12-13 địa phương có tuyến đường này đi qua,” bà Xuân nhấn mạnh.
[Bộ GTVT lý giải suất đầu tư cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025]
Theo Tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 146.990 tỷ đồng, trong đó dự kiến phần vốn nhà nước bổ sung hơn 72.000 tỷ đồng sẽ cân đối từ “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.”
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phân tích, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội mà Chính phủ trình Quốc hội chủ yếu tập trung thực hiện trong 2 năm 2022-2023, có mở rộng sang năm 2024. Dự án được phân chia thành 12 dự án thành phần, trong đó có 10 dự án thành phần là dự án quan trọng quốc gia tức là mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng.
Theo dự kiến, đối với các công trình dự án quan trọng quốc gia, từ khi chuẩn bị đầu tư đến khi khởi công được thông thường mất từ 2-3 năm. Nếu chuẩn bị tốt nhất thì hết năm 2023, sang đến năm 2024 mới khởi công được.
Như vậy, vừa không đạt được mục tiêu dòng vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Quốc hội quyết định. Bên cạnh đó, từ khởi công đến khi thực hiện dự án cũng mất tối thiểu 2 năm nữa, sẽ vượt qua giai đoạn đầu tư công 2021-2025.
Để giải quyết vướng mắc này, đại biểu đề nghị phân cấp theo hướng Quốc hội phân cấp xuống Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân cấp cho Chính phủ, Chính phủ có thể phân cấp cho Thủ tướng, Thủ tướng phân cấp xuống các bộ.
“Đối với dự án quan trọng quốc gia trên 10.000 tỷ đồng hiện nay thẩm quyền quyết định của Thủ tướng có thể phân cấp để Bộ Giao thông vận tải quyết định vấn đề này. Như vậy sẽ giảm trình tự, thủ tục. Trong quá trình thực hiện vẫn đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư công, chỉ khác về thẩm quyền,” đại biểu Nguyễn Trường Giang cho biết.
Tạo cơ chế thu hút đầu tư
Trong chiều nay, Quốc hội cũng thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Các đại biểu khẳng định, việc ban hành Nghị quyết là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.
Việc ban hành chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng bảo đảm tính tương đồng với một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về tính hiệu quả của dự án nạo vét luồng Định An-Cần Thơ cho tàu trọng tải tới 10.000 tấn.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) nhận định: "Kinh nghiệm của Hải Phòng trong nạo vét luồng tương tự không hiệu quả. Đồng bằng sông Cửu Long lại là một đồng bằng trẻ, nên nạo vét sâu xuống thì tác động môi trường, xã hội là rất lớn. Nếu Quốc hội ủng hộ dự án này thì cần ghi rõ trong nghị quyết về trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư.”
Nêu rõ việc Chính phủ đã có Nghị định 159/NĐ-CP/2018 về thu hồi, tận dụng sản phẩm nạo vét, nhưng do ở khu vực này khi thực hiện cải tạo luồng thì sản phẩm chủ yếu là bùn, không thu hút được nhà đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Sản phẩm thu hồi từ nạo vét 70% bùn, 30% cát. Miền Tây rất thiếu đất, thiếu cát. Do đó, lần này cần cơ chế ưu đãi cho việc nạo vét luồng hàng hải Định An-Cần Thơ.
Cần Thơ có cảng Cái Cui, nếu có luồng thì có thể đón được tàu 10.000 tấn, tăng giá trị khai thác sử dụng lên rất nhiều (hiện do bùn lắng nên chỉ đón được tàu 7.000 tấn).
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tiến hành khảo sát kỹ, đánh giá tác động nhiều mặt. Việc thực hiện dự án này cũng phải tuân thủ quy trình đánh giá tác động môi trường, giám sát thực thi... như Nghị định 159 của Chính phủ năm 2018 về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa./.