Giám sát chặt hành khách nhập cảnh từ vùng có virus Zika

Việc giám sát thực hiện thông qua việc phát hiện các trường hợp sốt bằng máy đo thân nhiệt từ xa và áp dụng các biện pháp kiểm dịch khác nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika.
Giám sát chặt hành khách nhập cảnh từ vùng có virus Zika ảnh 1Kiểm tra nhiệt độ hành khách bằng máy đo thân nhiệt tia hồng ngoại. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Tại Việt Nam, hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Zika, tuy nhiên nguy cơ dịch có thể xâm nhập và lây lan rộng trong cộng đồng là hoàn toàn có thể do sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Để chủ động phòng chống dịch, thời gian tới ngành y tế sẽ giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh từ quốc gia, khu vực đang có dịch bệnh do virus Zika.

Thông tin trên được đại diện của Bộ Y tế đưa ra trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, diễn ra chiều 2/2, tại Hà Nội.

Tại cuộc họp, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho hay, việc giám sát thực hiện thông qua việc phát hiện các trường hợp sốt bằng máy đo thân nhiệt từ xa và áp dụng các biện pháp kiểm dịch khác nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ để lấy mẫu xét nghiệm và quản lý theo quy định.

Theo thống kê từ các cửa khẩu quốc tế, hàng tuần Việt Nam có khoảng 200.000 lượt hành khách nhập cảnh và trên 170.000 hành khách xuất cảnh.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, người dân nên hoãn đi du lịch đến các nước đang có dịch bệnh do virus Zika, đặc biệt là với những phụ nữ mang thai.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân đi từ vùng dịch về tự theo dõi sức khỏe và khai báo với cơ quan y tế khi có những triệu chứng nghi ngờ trong vòng 14 ngày.

Tính đến ngày 1/2, đã có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo các trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đang lây lan mạnh virus này đáng chú ý là Brazil, Colombia, Mexico...

Thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, virus Zika có tốc độ lan truyền rất nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Mỹ và tiếp tục ghi nhận các dấu hiệu nặng tại Brazil.

Hiện tại, theo WHO, biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống bệnh do virus Zika là khống chế quần thể muỗi và ngăn ngừa bị muỗi đốt cho người dân tại các khu vực có nguy cơ, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai.

Theo Cục Y tế Dự phòng, tại Việt Nam cũng lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes - đây cũng là loại muỗi truyền virus Zika.

Do đó, ngành y tế sẽ tăng cường các hoạt động phòng chống dịch tại cộng đồng tương tự như phòng chống bệnh sốt xuất huyết để hạn chế sự phát triển của muỗi Aedes - loại muỗi truyền bệnh Zika, nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan nhanh khi xâm nhập vào Việt Nam.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, một số bệnh viện có khả năng xét nghiệm chẩn đoán phát hiện các bệnh Zika, MERS-CoV, cúm A/H7N9... sẵn sàng tiếp nhận mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xác định nhằm phát hiện ca bệnh đầu tiên.

Ngày 1/2, Tổ chức Y tế Thế giới đã tổ chức cuộc họp Ủy ban tình trạng khẩn cấp của WHO và các chuyên gia của WHO đã thống nhất: Có một sự liên quan khá rõ ràng giữa việc nhiễm virus Zika trong thời kỳ mang thai của người mẹ và chứng não nhỏ của trẻ sơ sinh; mặc dù chưa có bằng chứng khoa học đầy đủ chứng minh.

Bên cạnh đó, sự lưu hành rộng rãi muỗi Aedes sẽ tạo điều kiện để lây truyền rộng rãi virus Zika trên thế giới.

Theo WHO, hiện nay chưa có vắcxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi đó cộng đồng chưa có miễn dịch; do đó sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca bệnh trong thời gian tới. Với tình huống này, WHO yêu cầu cần có một sự điều phối quốc tế trong đáp ứng nhằm giảm thiểu tác động đối với các quốc gia bị ảnh hưởng và ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu./.

Bệnh do virus Zika là bệnh nhiễm vius Zika cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch. Virus này được phát hiện đầu tiên từ khỉ Rhesus vào năm 1947 tại Uganda và vào năm 1948 phát hiện trên muỗi Aedes. Muỗi truyền bệnh thuộc nhóm Aedes là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Có một số bằng chứng gợi ý virus có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục, tuy nhiên sự ghi nhận này là rất hiếm.

Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày. Người bệnh có biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Khoảng 80% các trường hợp nhiễm virus Zika không biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

Hiện nay chưa ghi nhận ca tử vong do bệnh do virus Zika.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục