Giám sát chặt tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết ở Hà Nội

Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết ở Hà Nội

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa yêu cầu Sở Y tế Hà Nội giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài.
Nhân viên y tế phun hóa chất nhằm tiêu diệt bọ gậy. (Ảnh: TTXVN)

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa yêu cầu Sở Y tế Hà Nội cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm xử lý triệt để ổ dịch, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, thời gian từ 30/6 đến 17/7, đã ghi nhận chùm ca bệnh sốt xuất huyết gồm 8 bệnh nhân tại phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã khẩn trương tổ chức triển khai điều tra xác minh dịch và triển khai triệt để các biện pháp xử lý ổ dịch. Sau khi triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch, hiện nay đã không phát hiện ca bệnh mới trên địa bàn.

Tính từ đầu năm 2014 đến nay, Hà Nội ghi nhận 112 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết với những trường hợp mắc đơn lẻ, rải rác tại các xã/phường của các quận/huyện. Hiện nay đã không phát sinh ổ dịch và số ca mắc thấp hơn khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2013.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 12.868 trường hợp mắc bệnh, số trường hợp mắc sốt xuất huyết giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2013.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội, Cục Y tế dự phòng chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện.

Các đơn vị có liên quan cần tổ chức phun hóa chất diện rộng tại khu vực đang có ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại các khu vực có nguy cơ xảy dịch cao, cần tiến hành diệt lăng quăng, bộ gậy 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần với các khu vực còn lại.

Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo để đảm bảo xử lý triệt để các ổ bọ gậy nguồn tại các hộ gia đình, tại các dụng cụ phế thải và ổ bọ gậy nguồn tại các ổ đọng nước không phải nước sinh hoạt tại các công, nông trường, xí nghiệp, đặc biệt tại các công trình xây dựng.

Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội cần tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch.

Bệnh sốt xuất huyết chưa có vắcxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện nay, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Vì vậy, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo các biện pháp để người dân phòng chống sốt xuất huyết:

- Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ trứng.

- Hàng tuần người dân dành 10 phút để kiểm tra và diệt lăng quăng/ bọ gậy bằng cách thả cá vào các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Hàng tuần loại bỏ các các vật liệu phế thải, các hốc tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị; không tự ý điều trị tại nhà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục