Nhấn mạnh ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đại diện Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng để giải quyết vấn đề này, yêu cầu đặt ra là cần phải xác định rõ vai trò nòng cốt của đoàn viên thanh niên trong việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa một lần, gương mẫu thực hiện việc tái sử dụng các sản phẩm nhựa và thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Mỗi năm phát sinh 1,8 triệu tấn rác thải nhựa
Tại Diễn đàn “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên” do Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức ngày 28/2, Cao Hoàng Anh - đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết theo số liệu thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường.
Rác thải nhựa toàn cầu có nguy cơ tăng gấp 3 lần vào năm 2060
Sản lượng nhựa hằng năm hiện ở mức 460 triệu tấn, tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua và có thể tăng gấp 3 vào năm 2060 nếu không có biện pháp nào được thực hiện.
Trong số rác thải nhựa trên, có tới 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Đáng nói là việc xử lý, tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế - khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Theo Hoàng Anh, thực tế trên đã và đang khiến Việt Nam phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, bởi bình quân mỗi hộ gia đình hiện sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.
Phân tích thêm thực tế xử lý rác thải nhựa, Hoàng Anh cho hay việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa hiện vẫn còn hạn chế. Thực tế lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11-12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế. Số rác thải còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
“Điều này có thể dẫn đến thảm họa môi trường, ô nhiễm đại dương,” Hoàng Anh chia sẻ và đặc biệt lưu ý tới thực trạng mỗi ngày có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế, trong số đó lẫn với rác thải nguy hại. Việc thu gom, tái chế và chôn lấp loại rác thải nhựa này đều ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường.
Tại sự kiện, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cũng nhấn mạnh các sản phẩm từ nhựa, nilon ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên do đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilon đã và đang gây ra vấn nạn ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường, đặc biệt là với sức khỏe con người.
Cần sự chung tay, hành động từ thanh niên
Trước tình hình trên, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh để giải quyết rác thải nhựa cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam, đặc biệt là thanh niên trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu.
Với tinh thần đó, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các cấp cơ sở đoàn trong bộ, các cơ quan tổ chức và cộng đồng cùng chung tay hành động để giảm thiểu rác thải nhựa; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.
Bên cạnh đó, Bí thư Đoàn Thanh niên Đặng Quốc Khánh cũng kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần.
Có chung quan điểm, anh Cao Hoàng Anh - đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, nhấn mạnh giảm thiểu rác thải nhựa đòi hỏi những giải pháp toàn diện, trong đó việc tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp, người dân là “chìa khóa” rất quan trọng.
Theo Hoàng Anh, trong thời gian gần đây, làn sóng hoạt động bảo vệ môi trường đã nổi lên như một làn gió mới, mạnh mẽ và sôi động trong cộng đồng thanh niên Việt Nam. “Bằng những hành động cụ thể và mô hình thiết thực, đoàn viên, thanh niên là những chiến binh trong hành trình chung để chống lại ô nhiễm rác thải nhựa, từng bước xây dựng một xã hội an toàn, văn minh và hiện đại,” Hoàng Anh nói.
Đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng lưu ý thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh môi trường khích lệ các đoàn viên phát huy tinh thần sáng tạo. Theo đó, các hoạt động nghiên cứu mô hình công sở xanh, sản phẩm thay thế nhựa, và sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa cần được đề xuất và triển khai để hạn chế sử dụng rác thải nhựa và giảm thiểu việc thải nhựa vào môi trường.
“Chúng ta không chỉ đang chống lại rác thải nhựa, mà còn đang xây dựng nên một tinh thần đoàn kết, sáng tạo và trách nhiệm đối với môi trường. Mỗi bước đi nhỏ, mỗi ý tưởng sáng tạo của thanh niên đều là một đóng góp quý báu, là một hạt giống mà chúng ta đang gieo trồng để kế thừa cho thế hệ sau,” anh Hoàng Anh chia sẻ.
Tại sự kiện, cùng với hơn 200 sinh viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, các đại biểu đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên, Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng đã trao đổi những vấn đề liên quan đến ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; vai trò của đoàn viên thanh niên trong công tác tuyên truyền cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế ô nhiễm rác thải nhựa.
Theo ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Chi hội Nhựa Tái sinh (Hiệp hội Nhựa Việt Nam), thanh niên là lực lượng nòng cốt trong công tác giảm rác thải nhựa đại dương. Vì vậy, đoàn viên thanh niên cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần./.