Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Australia cho thấy sự hiện diện của một loại vi khuẩn trong đường ruột của phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ có liên quan đến việc giảm nguy cơ trẻ bị dị ứng thực phẩm trong năm đầu đời, đặc biệt ở những phụ nữ có chế độ ăn chiều chất béo và chất xơ.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 25/3, Tập đoàn học thuật Springer Nature cho biết hệ vi sinh đường ruột ở các thai phụ giữ vai trò quan trọng trong việc kích thích trẻ phát triển hệ miễn dịch trong giai đoạn mang thai, song sự thiếu hụt các loại vi khuẩn nhất định có thể ảnh hưởng đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch ở trẻ.
[Mẹ béo phì khi mang thai có thể sinh con bị co giật, bại liệt]
Nhà nghiên cứu Peter Vuillermin thuộc Viện Nghiên cứu trẻ em Murdorch và các cộng sự đã tiến hành phân tích hệ vi sinh của hơn 1.000 thai phụ người Australia trong thai kỳ và kiểm tra định kỳ các em bé cứ mỗi 3 tháng cho tới khi trẻ tròn 1 tuổi.
Nhóm nghiên cứu đã nhận thấy khả năng bị dị ứng thực phẩm thấp ở những em bé có mẹ sở hữu vi khuẩn đường ruột Prevotella copri (P.copri).
Đặc biệt, ở những phụ nữ mang thai có chế độ ăn nhiều chất béo và chất xơ, và "quy mô hộ gia đình lớn hay việc ít sử dụng kháng sinh trong quý 3 của thai kỳ cũng có liên quan đến việc tăng số lượng vi khuẩn P.copri của người mẹ."
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng cần có những nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này ở những người khác và đánh giá vi khuẩn P.copri có khả năng như một lợi khuẩn và là một dấu ấn sinh học.
Họ nhấn mạnh phát hiện trên có ý nghĩa quan trong đối với sức khỏe cộng đồng, trong bối cảnh bệnh dị ứng khá phổ biến trên thế giới hiện nay.
Do đó, nếu có thể phỏng đoán nguyên nhân, nhóm nghiên cứu ước tính dân số có nguy cơ bị dị ứng thực phẩm do người mẹ không có vi khuẩn P.copri khi mang thai chiếm hơn 50%.
Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh kết quả trên đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc kiểm soát sử dụng kháng sinh trong thai kỳ cũng như chế độ ăn uống để duy trì hệ vi sinh đường ruột một cách tối ưu cho thai phụ./.