Giảm nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh: Điểm sáng giữa đại dịch COVID-19

Trong suốt thời gian chống dịch COVID-19, khắp Thành phố Hồ Chí Minh đã có hàng trăm điểm phát miễn phí gạo, cơm, thực phẩm, khẩu trang... được tổ chức.
Giảm nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh: Điểm sáng giữa đại dịch COVID-19 ảnh 1Nhiều phần quà được các tổ chức, cá nhân, nhóm làm xã hội từ thiện trao tận tay người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày dịch COVID-19. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống. Đây cũng là một “liều thuốc thử” liều cao đối với chương trình giảm nghèo bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cả người dân, nhiều địa phương của thành phố đã “về đích” - không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo ngay giữa đại dịch.

Về đích giữa đại dịch

Trong thành tích chung của nhiều địa phương của Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác giảm nghèo bền vững, trong tháng 9/2020 vừa qua, quận 5 đã được xác định không còn hộ cận nghèo, trở thành địa phương đầu tiên của thành phố đạt được thành tích ấn tượng này.

Gia đình chị Nguyễn Ngọc Nga ngụ tại hẻm 44 đường Sư Vạn Hạnh, phường 9, quận 5 không khỏi bất ngờ và vui mừng khi được cán bộ giảm nghèo phường thông báo gia đình chị đã được đưa ra khỏi diện hộ cận nghèo. Đồng thời, việc đề xuất hỗ trợ sinh kế bằng xe bánh mỳ cũng được duyệt sau khi gia đình tìm được chỗ buôn bán hợp lý để tạo thu nhập ổn định cho gia đình.

Điều này khiến chị và gia đình càng yên tâm hơn để tiếp tục nỗ lực phấn đấu cải thiện cuộc sống; nhất là khi con trai lớn của chị đang học nghề, tối chạy xe công nghệ; còn đứa nhỏ sau thời gian thi hành nghĩa vụ cũng vừa thử việc ở một công ty chuyên về viễn thông điện tử, chiều phụ giúp giữ xe ở Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận…

Thoát khỏi hộ cận nghèo, mọi người vui một nhưng bản thân chị Nga vui gấp nhiều lần, bởi gia đình chị đang hướng đến phát triển ổn định, bền vững; có thêm nhiều thời gian để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn khác.

Vui mừng trở thành một trong những hộ cuối cùng của quận 5 được đưa ra khỏi diện hộ cận nghèo, chị Triệu Lệ Anh, ngụ tại khu phố 3 (phường 15) chia sẻ tuy dịch COVID-19 diễn biến khó lường, nhưng công việc cho hai mẹ con ngày càng nhiều; cuộc sống của gia đình giờ đây ngày càng ổn định hơn.

Theo chị Lệ Anh, việc được ra khỏi chương trình trong thời điểm này  là việc cần làm nhằm hạn chế gánh nặng, gây phiền hà cho những người xung quanh, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, xã hội. Giờ hai mẹ con tập trung làm ăn, vun vén cuộc sống tốt hơn.

Trường hợp tương tự là gia đình chị Hoàng Thị Nguyệt cùng ngụ tại khu phố 3 (phường 15). Cơ hội đổi đời của gia đình bắt đầu từ khi chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng căn nhà tình thương vào năm 2014. Bản thân chị cũng đã phải mượn thêm mỗi người một ít tiền để bù vào sửa chữa cho hoàn thiện căn nhà; còn 3 đứa con do học hành chăm ngoan nên tất cả đều nhận được học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập của cộng đồng người Hoa từ lớp 1 đến khi rời khỏi mái trường đại học.

Gần đây, khi đứa con đầu ra trường và bắt đầu đi làm, gia đình chị Hoàng Thị Nguyệt cũng có nguyện vọng xin ra khỏi chương trình, nhường lại những chế độ, chính sách cho những người khó khăn hơn.

“Gia đình thật sự vui mừng, hạnh phúc vì đã thoát khỏi cái đói, cái nghèo bao lâu nay. Càng vui hơn, hạnh phúc hơn hơn khi cả phường, quận hay thành phố này không còn nghèo, hộ cận nghèo như tôi," chị Nguyệt chia sẻ khi biết trên địa bàn quận 5 không còn hộ nghèo, cận nghèo nào.

Theo kết quả khảo sát của Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững thành phố tại quận 5 mới đây, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng thu nhập bình quân của hộ cận nghèo nơi đây từng tháng, từng quý đã được cải thiện đáng kể và đến nay đã vượt trên 36 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh đó, mức thiếu hụt các chiều dịch vụ-xã hội của các hộ cận nghèo của quận chỉ còn dưới 30 điểm. Nổi bật là không còn hộ nào hay người nào thiếu hụt về chăm sóc y tế, tiếp cận thông tin, nước sinh hoạt.

Hiện chỉ còn chưa đạt chỉ tiêu giáo dục có 20 hộ với 23 lượt người; việc làm-bảo hiểm xã hội có 44 hộ với 78 người; điều kiện sống về nhà ở có 9 hộ...

[Giảm nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh: Khơi gợi ý chí tự lực thoát nghèo]

Với kết quả này, Ủy ban Nhân dân thành phố đã công nhận quận 5 hoàn thành chương trình xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2019-2020 theo tiêu chí thành phố không còn hộ cận nghèo đa chiều.

Để đạt được thành quả này, bà Trương Minh Kiều, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 5 cho biết Ban giảm nghèo bền vững của quận 5 đã tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành đoàn thể cùng các cơ quan đơn vị, quận, phường tập trung chăm lo, hỗ trợ hộ cận nghèo thông qua các nguồn vốn Quỹ xóa đói giảm nghèo, Quỹ vì người nghèo, Quỹ tín dụng ngân hàng chính sách xã hội; tăng cường phối hợp cùng các trường đào tạo nghề, trung tâm phát triển kinh tế và cung ứng lao động, công ty dịch vụ xuất khẩu lao động tuyên truyền, thông tin, tư vấn nghề, việc làm, lao động có thời hạn ở nước ngoài; đồng thời giới thiệu học nghề, giải quyết việc làm ổn định, việc làm tăng thêm thu nhập.

Trong giai đoạn 2019-2020, Ban giảm nghèo bền vững của quận 5 đã phát huy nội lực, vận động các cấp ngành, xã hội hóa nhiều hoạt động chung tay hỗ trợ chăm lo hơn 8.600 hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 5,4 tỷ đồng; chăm lo thường xuyên cho gần 6.000 lượt hộ với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng đồng thời hỗ trợ giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho hơn 2.700 lượt người, sửa chữa, cải tạo 26 căn nhà với tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng; duy trì chiều tiếp cận thông tin, đảm bảo 100% hộ gia đình có một trong những phương tiện như tivi, radio, máy vi tính, điện thoại, Internet...

Nhìn lại thành quả đạt được, bà Trương Minh Kiều cho rằng đó là nhờ sự thống nhất cao từ ý chí đến hành động, là do các cấp, ngành bám sát và đảm bảo thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu theo chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố, chương trình hành động của Quận ủy.

Đồng thời, các cấp, ngành xây dựng lộ trình cụ thể từng năm, phát huy vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong Ban giảm nghèo của quận, phường, các tổ tự quản; có phân công, củng cố kiện toàn thường xuyên; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phát huy tốt nguồn lực trong nhân dân tham gia thực hiện chương trình và nâng cao ý thức trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu tự vượt khó của hộ cận nghèo.

Không để dân tái nghèo vì dịch

Giảm nghèo bền vững là một chương trình dài hơi, đòi hỏi phải luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể cũng như của từng hộ dân, người dân đã thoát cảnh đói nghèo. Kết quả giảm nghèo tuy đã được quan tâm, thực hiện hiệu quả nhưng cũng rất dễ bị các yếu tố tác động, nhất là tình hình dịch COVID-19 vừa qua khiến công sức giảm nghèo trong nhiều năm có thể trở về số 0 nếu không có sự trợ sức kịp thời, hiệu quả.

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân và có thể nói, những người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo là những đối tượng, người yếu thế nhất, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều nhất.

Vì thế, giảm nghèo bền vững trong giai đoạn này là một thách thức lớn, có tác động không nhỏ đến vấn đề an sinh xã hội.

Giảm nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh: Điểm sáng giữa đại dịch COVID-19 ảnh 2Điểm tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn trên đường Cách mạng tháng 8, quận 3 trong những ngày dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Các cấp ngành, đoàn thể cùng chính quyền địa phương đa dạng hóa các hoạt động chăm lo hộ nghèo và hộ cận nghèo. Với phương châm “lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho dân” bằng những việc làm thiết thực, các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể, mặt trận của Thành phố đã phối hợp vận động đóng góp hàng chục tỷ đồng để chăm lo hộ gia đình chính sách, hộ cận nghèo trong dịch COVID-19 vừa qua.

Trong suốt thời gian chống dịch, nhất là những ngày thực hiện giãn cách xã hội để hạn chế dịch COVID-19 lây lan, khắp Thành phố Hồ Chí Minh đã có hàng trăm điểm phát miễn phí gạo, cơm, thực phẩm, khẩu trang... được tổ chức.

Cùng với đó, nhiều phần lương thực, thực phẩm cũng đã được các tổ chức, đoàn thể mang đến trao tận tay người nghèo khó, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bán vé số…

Theo Sở Lao động - Thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, thành phố hỗ trợ cho 32.527 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số 127.829 nhân khẩu và đã thực hiện chi hỗ trợ cho 111.136 thành viên của 32.527 hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó 30.538 thành viên của 9.668 hộ nghèo; 80.598 thành viên của 22.859 hộ cận nghèo.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ nét đẹp vốn có của thành phố nghĩa tình lại càng thể hiện rõ nét, nhất là trong những lúc khó khăn.

Trong những ngày ảnh hưởng của dịch COVID-19, người dân thành phố lần nữa thể hiện bản sắc, tinh thần dân tộc, sự đoàn kết và nghĩa tình qua những hành động nhỏ nhưng ấm áp tình người, chung sức san sẻ để giảm bớt nỗi âu lo, khó khăn ở tuyến đầu chống dịch COVID-19./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục