Phát huy kết quả đạt được trong nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục xây dựng nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm thực hiện đạt hiệu quả, thắng lợi nhiệm vụ giảm nghèo theo chuẩn của Thành phố.
Qua đó, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố như Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa đề ra.
Tiếp tục nâng chuẩn nghèo
Thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục thực hiện hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm, kéo giảm đáng kể các thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố; tăng cường xã hội hóa và huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho Chương trình giảm nghèo bền vững; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được thực hiện kịp thời và đúng đối tượng, tạo niềm tin của người dân Thành phố đối với chương trình.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình giảm nghèo bền vững được lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm đẩy mạnh khả năng huy động nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa thực hiện các giải pháp hỗ trợ người nghèo nâng cao chất lượng sống cho người dân, thoát nghèo bền vững.
Mặt khác, hộ nghèo và hộ cận nghèo khi đã vượt mức chuẩn hộ cận nghèo Thành phố được các địa phương lập danh sách riêng để tiếp tục theo dõi và được đảm bảo thực hiện các chính sách hỗ trợ theo diện hộ cận nghèo Thành phố trong 12 tháng để đảm bảo ổn định cuộc sống, không tái nghèo.
[Giảm nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh: Trao “cần câu” thay “xâu cá”]
Dự kiến đến tháng 11/2020, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kết thúc chương trình giảm nghèo đa chiều.
Đến cuối tháng 11, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố sẽ tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố để trình Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua chủ trương ban hành chuẩn nghèo của Thành phố giai đoạn mới 2020-2025, tăng 1,3 lần so với giai đoạn 2016-2020.
Hộ thu nhập dưới 36 triệu đồng/năm là hộ nghèo, hộ cận nghèo là hộ thu nhập dưới 46 triệu đồng/năm.
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho rằng chuẩn nghèo giai đoạn này có tác động về mặt kinh tế-xã hội; phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố và sự phát triển chung của khu vực ASEAN.
Để xây dựng chuẩn nghèo mới phù hợp, Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, từ kết quả đạt được của Chương trình giảm nghèo bền vững của Thành phố giai đoạn 2016-2020, cần phân tích, đánh giá về phương pháp đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, những mặt được, mặt hạn chế của phương pháp đo lường đã thực hiện; về tác động của từng chỉ số thiếu hụt đến quá trình giảm nghèo của hộ, từ đó đề xuất việc thực hiện phương pháp đo lường nghèo đa chiều cho giai đoạn 2021-2025.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2021-2025, cần nghiên cứu thực trạng thiếu hụt từng chỉ số tại thời điểm và trong tương lai để đề xuất những chỉ số thiếu hụt loại bỏ và đề xuất bổ sung những chỉ số thiếu hụt mới phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, phù hợp với những văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và tương thích với chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Đảm bảo giảm nghèo toàn diện, bền vững
Thực hiện hỗ trợ người nghèo, đảm bảo giảm nghèo toàn diện, bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề ra nhiều giải pháp cụ thể, trong đó trọng tâm là huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi và tín dụng nhỏ theo nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo để phát triển kinh tế hộ, hỗ trợ phương tiện làm ăn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ kéo giảm các thiếu hụt về dịch vụ xã hội; tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của người nghèo, đảm bảo giảm nghèo toàn diện, bền vững.
Để làm được điều này, ông Lê Minh Tấn cho rằng trước mắt cần tăng cường cho vay vốn ưu đãi, vốn tín dụng nhỏ, nguồn Quỹ xóa đói giảm nghèo, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đến tận tay hộ nghèo, hộ cận nghèo, từng người nghèo và hướng dẫn họ làm ăn một cách có hiệu quả nhất trong điều kiện hiện nay. Mỗi thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo cần phải được đào tạo nghề, giải quyết việc làm để hướng đến giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Ngoài ra, cần hỗ trợ bằng nhiều giải pháp an sinh xã hội khác như: hỗ trợ về điều kiện sống, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, tạo điều kiện về mặt hưởng thụ công nghệ thông tin; sử dụng quỹ vì người nghèo của thành phố, quận huyện, phường xã để hỗ trợ cho những thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Mặc khác, các đơn vị liên quan cần tuyên truyền, giới thiệu, nêu gương, nhân rộng các điển hình hộ nghèo, hộ cận nghèo, người nghèo có ý chí làm ăn vươn lên trong cuộc sống; xây dựng các tổ tự quản giảm nghèo bền vững thật vững mạnh để hỗ trợ, giúp đỡ cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo quản lý đồng vốn và cách làm ăn tốt nhất.
Đối với các ngành chức năng, chính quyền địa phương, ông Lê Minh Tấn cho rằng việc xây dựng kế hoạch giảm nghèo hằng năm trên cơ sở khảo sát nhu cầu của từng người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo gắn với giải quyết các chiều thiếu hụt xã hội của hộ; từng bước vừa nâng cao thu nhập, vừa giảm các chiều thiếu hụt xã hội.
Đây là mô hình quản lý, theo dõi, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo hiệu quả, được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá cao và đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước nghiên cứu triển khai thực hiện.
Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững trong tình hình mới, bà Võ Thị Dung, một người gắn bó nhiều năm với các Chương trình giảm nghèo cho rằng, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cần chú trọng thiết kế các chính sách nâng cao năng lực nội sinh, hỗ trợ có điều kiện, kèm theo các biện pháp tuyên truyền, phổ biến để người nghèo tiếp cận được với chính sách.
“Bên cạnh đó, cần tổ chức biểu dương các hộ nghèo chủ động cùng Nhà nước thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay từ các mô hình tổ, nhóm tự quản; phát huy các giải pháp hiệu quả thoát nghèo; đưa chương trình giảm nghèo không chỉ là công việc của Nhà nước, của các tổ chức xã hội mà còn là tự thân ở mỗi hộ nghèo nỗ lực, vượt khó vươn lên, thoát nghèo bền vững,” bà Võ Thị Dung nhấn mạnh.
Để duy trì và phát huy thành quả đạt được, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đúng yêu cầu, mục tiêu; đa dạng hóa cách tiếp cận, mô hình giảm nghèo bền vững, xây dựng hệ thống chính sách cùng với phương thức chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả, bền vững.
Mặt khác, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cần có tính thống nhất về cơ chế hỗ trợ, tránh bỏ sót đối tượng; chương trình giảm nghèo bền vững phải gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Mặt khác, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững đúng người, đúng đối tượng, bình đẳng, công khai để mọi người dân đồng thuận, cùng chung tay góp sức chăm lo người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau./.