Giảm nghèo bền vững: Thách thức từ tỷ lệ tái nghèo cao

Việt Nam đã trở thành “điểm sáng” trên thế giới về giảm nghèo, thế nhưng để giữ được thành tựu này đòi hỏi cần phải có giải pháp giảm nghèo bền vững, không nghề người thoát nghèo lại tái nghèo.
Giảm nghèo bền vững: Thách thức từ tỷ lệ tái nghèo cao ảnh 1Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Để chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống”. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam đã trở thành “điểm sáng” trên thế giới về giảm nghèo. Thế nhưng, để giữ được thành tựu này đòi hỏi cần phải có giải pháp giảm nghèo bền vững, không nghề người thoát nghèo lại tái nghèo.

[Giảm nghèo giai đoạn 2016-2020: Không tạo tư tưởng trông chờ, ỷ lại]

Đây là thông tin được đưa ra tại chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Để chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống” do Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức ngày 21/12 tại Hà Nội.

Nghèo ở dân tộc thiểu số tăng

Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác giảm nghèo, được thế giới đánh giá là điểm sáng hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ trước thời hạn. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn dưới 7% (năm 2017).

Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7% (giảm 1,53% so cuối năm 2016); ước đến cuối năm 2018 còn dưới 6% (giảm khoảng 1 -1,3% so năm 2017).

Tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực, tỷ lệ tái nghèo trung bình cả nước giảm từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,1% (năm 2017). Đặc biệt, có 10 tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Nội) duy trì được tình trạng không tái nghèo.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng nhận định, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu-nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên.

Tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 52,6% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2017), thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước.

Theo thống kê Ủy ban Dân tộc, nhiều xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo hơn 50%, có xã chiếm tỷ lệ 60%, 70% hoặc 80%, đặc biệt ở các địa phương thuộc Điện Biên, Lai Châu hay xã ở phía Tây tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Ông Võ Văn Bảy, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 (Ủy ban Dân tộc) cho rằng càng về sau công tác giảm nghèo càng khó. Cuối năm 2017, hơn 52% hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, cứ hơn hai hộ thì có một hộ nghèo. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ này có thể cao hơn, từ 52% lên 57%.

“Sự bất cập, chênh lệch giữa giảm nghèo các vùng, khu phát triển, đặc biệt đối với dân tộc thiểu số thể hiện rất rõ. Đây là một trong những vấn đề mà các bộ, ngành vô cùng trăn trở, đặc biệt phía Ủy ban Dân tộc. Giảm nghèo chung của cả nước là thành tựu lớn vậy, nhưng số hộ nghèo còn lại tập trung vùng dân tộc thiểu số,” ông Võ Văn Bảy cho hay.

Các chuyên gia cho rằng nguồn lực thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo vẫn còn dàn trải, chưa tập trung hỗ trợ đủ độ để tác động làm chuyển biến thực sự đời sống người nghèo dân tộc thiểu số. Các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống.

Giảm nghèo bền vững: Thách thức từ tỷ lệ tái nghèo cao ảnh 2(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Vẫn còn nỗi lo tái nghèo

Một trong những nỗi băn khoăn lớn nhất của những người làm công tác giảm nghèo chính là tỷ lệ tái nghèo. Hiện, tỷ lệ này bình quân ở mức 5,1%/năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, bằng 22,98% so với tổng số hộ thoát nghèo.

Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết những hộ phát sinh nghèo thường do tách hộ ở những khu vực đông dân. Mặc khác, phát sinh nghèo còn do những rủi ro như thảm họa, thiên tai trong cuộc sống...

“Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận còn một nguyên nhân nữa là do chủ quan trong công tác quản lý hộ nghèo của địa phương. Vừa qua, chúng tôi đi kiểm tra một số địa phương, sau khi rà soát báo cáo, tỷ lệ nghèo đã giảm và giảm nhiều. Đây là một bài học trong quản lý, phải thường xuyên có điều tra, có giám sát,” ông Thi nhấn mạnh.

Đây là bài học và ông Thi cho rằng các cơ quan thực thi chính sách như Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội, Ủy ban dân tộc miền núi phải tuyên truyền, phát huy, cho đây là điểm đáng khen.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng chỉ ra trong thực tế vẫn còn hiện tượng đã thoát nghèo rồi nhưng vẫn được xác nhận hộ nghèo khiến nhiều người dân thắc mắc. Điều này thể hiện sự không dân chủ, công bằng.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, hiện nay đang có những tấm gương viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, nên có chính sách tiếp tục hỗ trợ họ một vài năm hoặc kề vai sát cánh khi có sự cố xảy ra để phát huy nhiều tấm gương sáng như vậy.

“Quá trình xóa đói giảm nghèo và giảm nghèo bền vững phải tạo sự đồng thuận trong xã hội, tạo sự đoàn kết thống kết thương yêu chia sẻ. Đã đến lúc đồng bào có sự chia sẻ, thấy mình thoát ra để cho hộ khác được nhà nước hỗ trợ một phần để làm sao ai cũng được phát triển theo đúng mục tiêu thiên niên kỷ là không để ai rớt lại phía sau,” ông Bùi Sỹ Lợi nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục