Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hàng năm tuyển một lượng lớn công nhân kỹ thuật, tuy nhiên, học sinh, sinh viên tốt nghiệp tại các trường nghề không đáp ứng được yêu cầu công việc nên hơn 40% các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã phải đào tạo lại cho người lao động.
Bên cạnh đó, nhiều người dù đã tốt nghiệp nghề nhưng không được doanh nghiệp tiếp nhận dẫn đến tình trạng mất niềm tin, các trường nghề rơi vào cảnh không có người học.
Để giải bài toán "lệch pha" giữa đào tạo và yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, nhiều trường nghề ở Đồng Nai đã gắn kết toàn diện giữa nhà trường và doanh nghiệp. Từ đây, 100% học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp đã tìm được việc làm.
Những năm qua, trường Cao đẳng nghề số 8 (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã liên kết với Công ty sản xuất khuôn Quần Thái, Khu công nghiệp Sóng Thần 1, tỉnh Bình Dương để sinh viên sau thời gian học sẽ được doanh nghiệp tiếp nhận đến thực tập, làm việc trên máy móc hiện đại và được trả lương từ 50-70%. Qua thời gian thực tập, sinh viên không chỉ tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng cho công việc thực tế mà còn được rèn luyện tác phong công nghiệp. Đặc biệt, trong thời gian thực tập, sinh viên nào đáp ứng được yêu cầu công việc sẽ được doanh nghiệp ký hợp đồng tuyển dụng.
Em Võ Tấn Pháp (sinh viên thực tập) chia sẻ Công ty Quần Thái nhận chúng em đến thực tập, bố trí những cán bộ chủ chốt, lành nghề chỉ dạy cho sinh viên rất nhiệt tình. Đi thực tập nhưng được đứng máy nhiều nên em đã có thêm kiến thức thực tế, những điều này ở nhà trương thầy, cô không thể truyền đạt được. Bên cạnh đó, chúng em còn rèn luyện, hình thành được tác phong công nghiệp. Đây là điều quan trọng trong môi trường làm việc ở các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Trần Anh Thu, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề số 8, cho biết trước đây, do việc kết nối, trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp với nhà trường hạn chế, dẫn đến sự "lệch pha" trong công tác đào tạo và yêu cầu công việc thực tế, nhiều sinh viên tốt nghiệp nhưng không xin được việc làm mặc dù doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.
Với việc liên kết đào tạo, doanh nghiệp được tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo của nhà trường, qua đó họ tư vấn, góp ý cho nhà trường xây dựng chương trình học, giảng dạy và kiểm tra đánh giá sát với thực tế sản xuất của doanh nghiệp. Tại trường Cao đẳng nghề số 8, một số nghề như hàn, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp,… 100% học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp.
Theo lãnh đạo Công ty sản xuất khuôn Quần Thái, khi doanh nghiệp hợp tác với các trường để đào tạo và nhận các em thực tập, bản thân doanh nghiệp cũng có nhiều lợi ích như bổ sung nguồn lao động thời vụ, giúp các công nhân đang làm việc có cơ hội học hỏi những kiến thức mới mà các bạn sinh viên học được trong nhà trường. Quan trọng nhất, qua liên kết, doanh nghiệp có thể chủ động tuyển dụng được các lao động có trình độ kỹ thuật, vững tay nghề, không cần đào tạo lại.
Đối với trường Cao đẳng nghề Lilama 2 (huyện Long Thành, Đồng Nai), hàng năm, số lượng đào tạo của trường không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. Ông Lê Quang Trung, Phó hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, hiện trường gắn kết đào tạo với nhiều doanh nghiệp như Công ty Dịch vụ Kỹ thuật hàng hải, dầu khí (Bà Rịa-Vũng Tàu), Công ty trách nhiệm hữu hạn Robert Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành, Đồng Nai),…
Các doanh nghiệp này cùng trường tham gia biên soạn giáo trình, khi doanh nghiệp có những máy móc mới họ giới thiệu để trường dạy cho sinh viên kịp thời nắm bắt, các kỳ thi tốt nghiệp, 30% bài thi là do doanh nghiệp đưa ra. Từ năm 2013, trường nghề Lilama 2 bắt đầu thí điểm “đào tạo kép," mô hình học sinh-sinh viên ba ngày học lý thuyết ở nhà trường, ba ngày làm việc tại doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, tại các trường những ngành nghề có liên kết đào tạo với doanh nghiệp, chất lượng đầu ra đảm bảo, tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề cao. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là vẫn chưa có cơ chế pháp lý về trách nhiệm đào tạo của doanh nghiệp. Do đó, chỉ mới có một bộ phận nhỏ doanh nghiệp tham gia đào tạo, nhưng đa phần mới dừng lại ở mức độ nhận sinh viên vào thực tập.
Theo lãnh đạo các trường, việc gắn đào tạo với yêu cầu của doanh nghiệp không phải trường nào, ngành nghề nào cũng làm được. Điều này do thiếu cơ chế gắn kết mang tính chất pháp lý, doanh nghiệp chưa có trách nhiệm tham gia vào quá trình đào tạo nghề, một số trường dù muốn hợp tác với doanh nghiệp nhưng lại chưa tạo ra cơ chế thông thoáng. Muốn doanh nghiệp thực sự trở thành “bà đỡ” cho công tác đào tạo, nhà trường và doanh nghiệp phải gắn kết toàn diện, chặt chẽ bằng một cơ chế pháp lý rõ ràng./.