Giám đốc IMF: AI sẽ tác động đến việc làm ở rất nhiều nền kinh tế

Theo báo cáo của IMF, một nửa trong số các việc làm chịu ảnh hưởng của AI sẽ bị tác động tiêu cực, trong khi số còn lại có thể thực sự được hưởng lợi từ sự cải thiện trong năng suất lao động nhờ AI.
Robot AI "Ameca" được giới thiệu tại gian hàng của công ty Engineered Arts, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về AI của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 5/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Gần 40% lượng công việc trên toàn thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI). Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), xu hướng này có thể làm trầm trọng hơn vấn đề bất bình đẳng ở quy mô toàn cầu.

Trong một bài đăng vào ngày 14/1, Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã kêu gọi các chính phủ thiết lập mạng lưới an toàn xã hội và đưa ra những chương trình tái đào tạo để chống lại tác động của AI.

“Trong hầu hết các kịch bản, trí tuệ nhân tạo có khả năng cao sẽ khiến tình trạng bất công bằng trở nên trầm trọng hơn. Đây là một xu hướng đáng lo ngại mà các nhà hoạch định chính sách phải chủ động giải quyết, để ngăn chặn loại công nghệ này gây thêm những căng thẳng trong xã hội,” bà Georgieva nêu ý kiến trước khi diễn ra hội nghị thường niên của Diễn đoàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ - nơi chủ đề AI đang được quan tâm.

Davos đã được trang hoàng bởi những biển quảng cáo và thương hiệu liên quan tới AI trước khi hội nghị diễn ra. Sam Altman, Giám đốc Điều hành của công ty OpenAI và là cha đẻ của chatbot lừng danh ChatGPT, cùng người ủng hộ lớn nhất của ông là Giám đốc Điều hành Microsoft Satya Nadella, sẽ phát biểu tại sự kiện về AI.

Để chuẩn bị cho hội nghị, Georgieva đã có bài viết trên blog cá nhân của bà, với nội dung nêu rõ rằng khi “trí tuệ nhân tạo ngày càng được người lao động và doanh nghiệp tiếp nhận, sử dụng nhiều, nó sẽ mang tới cả tác động có lợi và gây hại cho lực lượng lao động là con người.”

Nhắc lại những cảnh báo từng được các chuyên gia khác đưa ra, Georgieva cho biết AI sẽ gây ra những tác động sâu sắc hơn ở các nền kinh tế đã phát triển, thay vì ở những nước đang phát triển. Nguyên nhân một phần bởi những người lao động trí óc sẽ nhận nhiều tác động từ sự phát triển của AI hơn so với những người lao động chân tay.

Ví dụ, ở các nước phát triển, sẽ có khoảng 60% số lượng công việc bị AI ảnh hưởng. Theo bà, một nửa trong số đó là những người có khả năng hưởng lợi từ sự phát triển của AI và tạo ra năng suất cao. Nhưng đối với nửa còn lại, các ứng dụng dựa vào AI sẽ xóa bỏ công việc của họ, dẫn đến nhu cầu lao động giảm sút và hệ quả cuối là tiền lương và tiền thuê lao động suy giảm theo. Trong trường hợp tồi tệ nhất, một số công việc do con người đảm nhận hiện nay có thể bị AI xóa sổ.

Tại các nền kinh tế đang phát triển và các nước thu nhập thấp, dự kiến AI sẽ ảnh hưởng tương ứng tới khoảng 40% và 26% lượng việc làm. Các nền kinh tế đang phát triển được đề cập tới là Ấn Độ và Brazil, những nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, trong khi các nước có thu nhập thấp là Burundi và Sierra Leone.

Bà Georgieva cũng lưu ý rằng: “Nhiều nước trong nhóm đang phát triển hoặc thu nhập thấp không có đủ cơ sở hạ tầng hay lực lượng lao động với trình độ kỹ thuật cao để khai thác lợi ích của AI. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ công nghệ AI có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng”.

Bà cảnh báo rằng việc lạm dụng AI cũng có thể làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội, đặc biệt nếu những người lao động trẻ, ít kinh nghiệm hơn nắm bắt được công nghệ mới và tận dụng nó một cách triệt để, trong khi những người lao động có tuổi phải chật vật để bắt kịp.

AI đã trở thành một chủ đề nóng tại WEF ở Davos năm ngoái, khi ChatGPT gây bão trên toàn thế giới. Sự thông minh mà chatbot này thể hiện đã tạo ra nhiều cuộc tranh luận về việc liệu AI có thể thay đổi cách thức con người làm việc trên khắp thế giới.

Kể từ đó, nhiều nơi đã tiến hành nâng cấp công nghệ, khiến AI thế hệ mới trở nên phổ biến hơn, thu hút sự thúc đầu tư lớn hơn. Không ít công ty công nghệ đã trực tiếp chỉ ra AI là lý do khiến họ xem xét lại trình độ nhân sự của mình.

Hồi tháng 3 năm ngoái, các chuyên gia kinh tế ở Goldman Sachs đã ước tính rằng dù bối cảnh nơi làm việc có sự thay đổi không giống nhau, nhưng việc áp dụng rộng rãi trí thông minh nhân tạo vẫn giúp đẩy mạnh năng suất lao động và thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 7% mỗi năm trong khoảng thời gian 10 năm tới.

Trong bài đăng trên blog của mình, Georgieva cũng chỉ ra các cơ hội để tăng đầu ra và thu nhập trên toàn thế giới bằng việc sử dụng AI. Bà cho biết: “AI sẽ biến đổi nền kinh tế toàn cầu. Hãy đảm bảo rằng nó chỉ mang lại lợi ích cho nhân loại"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục