Giám đốc điều hành OpenAI "đặt cược" vào năng lượng hạt nhân

CEO OpenAI, ông Sam Altman, cho biết việc đầu tư vào năng lượng hạt nhân có liên hệ mật thiết với cuộc cách mạng AI mà công ty của ông đang đi đầu vì các công cụ AI sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng.
Giám đốc điều hành OpenAI "đặt cược" vào năng lượng hạt nhân ảnh 1Giám đốc điều hành OpenAI, ông Sam Altman. (Nguồn: Bloomberg)

Công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ của doanh nhân Sam Altman - hiện cũng là Giám đốc điều hành (CEO) công ty OpenAI, chuẩn bị được niêm yết trên thị trường chứng khoán với giá trị khoảng 850 triệu USD.

Sau khi công cụ hội thoại ChatGPT ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của OpenAI trở nên nổi tiếng nhanh chóng, uy tín của ông Sam Altman cũng tăng mạnh tại Thung lũng Silicon.

Ông Alman là một trong những người đầu tiên tham gia gây dựng công ty khởi nghiệp Oklo vào năm 2015 và đang giữ chức Chủ tịch.

Doanh nhân này cho biết việc đầu tư vào năng lượng hạt nhân có liên hệ mật thiết với cuộc cách mạng AI mà công ty của ông đang đi đầu vì các công cụ AI sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng.

Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 11/7, ông Alman cho biết đang "đặt cược" lớn lĩnh vực năng lượng vì nhận thấy nhu cầu năng lượng giá rẻ, an toàn và sạch đang rất cấp thiết.

["Cha đẻ" của ChatGPT đồng tình với quan điểm AI phải được kiểm soát]

Oklo dự định xây dựng những lò phản ứng kiểu module nhỏ (Small Modular Reactor - SMR), về lý thuyết sẽ cần ít thời gian hơn những nhà máy hạt nhân thông thường và quá trình xây dựng những lò SMR tại các vùng xa xôi cũng dễ dàng hơn.

Việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân truyền thống cần chi phí lớn và nhiều thời gian hơn, với những dự án lớn cũng khó được thông qua hơn vì cần nhiều ngân sách và nguy cơ cao bị chậm tiến độ.

Nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Oklo, Jacob DeWitte, cho biết mục tiêu dài hạn của công ty là xây dựng mạng lưới rộng lớn các nhà máy hạt nhân tiên tiến, bao gồm cả những thiết kế lớn và nhỏ có tính cạnh tranh cao về mặt kinh tế.

Oklo thông báo kế hoạch niêm yết trong bối cảnh công ty vẫn chưa tìm được địa điểm đặt trụ sở và từng bị Cơ quan Quản lý Hạt nhân (NRC) Mỹ bác đơn xin xây dựng một SMR ở Idaho vì thiếu thông tin liên quan những rủi ro xảy ra tai nạn và kế hoạch ứng phó cho  những tình huống này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục