Giám đốc điều hành Fiat Chrysler đề cập đến khả năng sáp nhập

Hãng chế tạo ôtô Fiat Chrysler (FCA) ngày 3/5 thông báo lợi nhuận quý 1/2019 sụt giảm mạnh do doanh số bán ôtô của hãng giảm đáng kể trên thị trường toàn cầu.
Giám đốc điều hành Fiat Chrysler đề cập đến khả năng sáp nhập ảnh 1Công nhân làm việc trong nhà máy Fiat Chrysler Automobiles ở Michigan. (Nguồn: Reuters)

Hãng chế tạo ôtô Fiat Chrysler (FCA) ngày 3/5 thông báo lợi nhuận quý 1/2019 sụt giảm mạnh do doanh số bán ôtô của hãng giảm đáng kể trên thị trường toàn cầu. Mặc dù vậy, cổ phiếu của hãng đã tăng giá mạnh sau khi Giám đốc điều hành Mike Manley đề cập đến khả năng hãng sáp nhập trong thời gian tới.

Nhà sản xuất ôtô lớn thứ bảy thế giới này thông báo lợi nhuận ròng trong quý 1/2019 đã giảm gần 47% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 508 triệu euro (566 triệu USD), do doanh số bán xe của hãng trên toàn cầu trong cùng thời gian này giảm 14% xuống 1.037.000 chiếc.

Tuy nhiên, ông Mike Manley bày tỏ tin tưởng Fiat Chrysler sẽ đạt được mục tiêu của năm 2019, theo đó lợi nhuận hoạt động ổn định ở mức 6,7 tỷ euro và lợi nhuận thu được trên mỗi cổ phiếu chỉ giảm 10%.

Trong phiên giao dịch ngày 3/5, giá cổ phiếu của FCA đã giảm trong một khoảng ngắn trước khi tăng tới hơn 5%, lên 14,26 euro/cổ phiếu (16,10 USD/cổ phiếu) vào giữa phiên chiều, sau khi Giám đốc điều hành Mike Manley nói rằng FCA bỏ ngỏ khả năng về các liên minh tiềm năng. Ông nhấn mạnh lĩnh vực này sẽ có cơ hội rất lớn trong từ hai đến ba năm tới và hãng sẽ đóng góp một vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong việc củng cố lĩnh vực chế tạo ôtô.

Những đồn đoán về khả năng sáp nhập liên quan đến FCA đã nổi lên trong những tháng gần đây. Hồi đầu tháng Ba vừa qua, PSA, nhà sản xuất ôtô của Pháp sở hữu các thương hiệu như Peugeot, Citroen và Opel, đã thể hiện sự quan tâm đối với việc hợp tác với FCA.

Tờ Financial Times hồi cuối tháng Ba đưa tin nhà sản xuất ôtô đồng hương Pháp Renault cũng để mắt tới khả năng sáp nhập với FCA.

Các nhà sản xuất ôtô của châu Âu hiện đang tìm cách củng cố thị trường, trong bối cảnh doanh số bán xe sụt giảm trước thời điểm Liên minh châu Âu (EU) áp đặt quy định mới về hạn chế khí thải.

Cũng trong ngày 3/5, Detroit, thành phố lớn nhất của tiểu bang Michigan (Mỹ), đã nhất trí trả khoản tiền 107,6 triệu USD cho gần 215 mẫu đất (1 mẫu Anh = 0,4 hécta) để FCA xây dựng nhà máy lắp ráp mới trị giá 1,6 tỷ USD.

Văn phòng Thị trưởng của Detroit cho biết FCA có kế hoạch đầu tư 900 triệu USD để trang bị lại và hiện đại hóa cơ sở sản xuất Jefferson North Assembly Plant, qua đó có thể tạo thêm gần 5.000 việc làm mới. Chi phí mua đất sẽ do thành phố Detroit và bang Michigan chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục