Giám đốc CIA thừa nhận chương trình tra tấn nghi can khủng bố

Ngày 11/12, Giám đốc CIA đã thừa nhận cơ quan này từng dùng các hình thức tra tấn tàn bạo đối với các đối tượng tình nghi khủng bố.
Giám đốc CIA thừa nhận chương trình tra tấn nghi can khủng bố ảnh 1 Trụ sở chính của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại Langley, bang Virginia ngày 14/8/2008. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 11/12, Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan đã thừa nhận cơ quan này từng dùng các hình thức tra tấn tàn bạo đối với các đối tượng tình nghi khủng bố, song nhấn mạnh việc sử dụng các biện pháp thẩm vấn mạnh tay đã ngăn chặn sớm các âm mưu khủng bố.

Phát biểu tại một cuộc họp báo đặc biệt lần đầu tiên được tổ chức tại trụ sở CIA ở Langley, bang Virginia, và được truyền hình trực tiếp, Giám đốc Brennan thừa nhận trong số trường hợp nhất định, các đặc vụ Mỹ đã hành động vượt quá thẩm quyền khi sử dụng các hình thức thẩm vấn tàn bạo đối với các nghi can khủng bố.

Tuy nhiên, ông khẳng định hầu hết những nhân viên CIA đều thực hiện đúng quy định và không có hành vi tra tấn tù nhân.

Theo người đứng đầu CIA, cựu Tổng thống George W. Bush đã thông qua chương trình thẩm vấn “tăng cường" (EITs) do lo ngại một làn sóng bạo lực khác sẽ tái diễn sau các vụ tấn công khủng bố hôm 11/9/2001.

Mặc dù thừa nhận việc sử dụng các hình thức tra tấn không thực sự "cần thiết" và đôi khi dẫn đến những thông tin tình báo sai lệch, song ông Brennan cho rằng những thông tin từ những đối tượng tình nghị thực sự "hữu ích," cụ thể là việc giúp tìm ra nơi ẩn náu để tiêu diệt được trùm khủng bố Osamar bin Laden.

Trong phát biểu của mình, Giám đốc CIA cũng bác bỏ những cáo buộc trong bản báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ khi cho rằng cơ quan này đã tìm cách đánh lừa Chính phủ Mỹ và công luận về quy mô và kết quả của các biện pháp tra tấn trong nhiều năm qua.

Ông cũng khẳng định CIA hiện không còn bắt giữ và thẩm vấn các đối tượng tình nghị, đồng thời đã tiến hành nhiều cải cách nhằm ngăn chặn tái diễn những vụ việc tương tự.

Những tuyên bố của ông Brennan ngay lập tức đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, cơ quan đã cho công bố bản báo cáo tóm lược về các hoạt động CIA hôm 9/12.

Trên trang Twitter của mình, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Dianne Feinstein - Chủ tịch ủy ban trên - khẳng định CIA cùng các cơ quan an ninh tình báo khác đã giúp nước Mỹ an toàn hơn, mạnh mẽ hơn, chứ không phải là các biện pháp thẩm vấn mạnh tay.

Và thực tế là không gì có thể biện minh cho việc áp dụng mọi hình thức tra tấn và giới thi hành pháp luật phải rút kinh nghiệm từ những sai lầm đó. Theo bà Feinstein, thực tế CIA đã có thể khai thác được những thông tin tình báo quan trọng như thông tin về Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq trước khi áp dụng EITs, và các bằng chứng trong bản báo cáo đều cho thấy chương trình này không các đặc vụ CIA có được những thông tin chính xác về nơi ẩn náu của Bin Laden.

Thượng nghị sỹ này cho biết bản tóm lược dài 500 trang được công bố trước đó chỉ là "một phần nhỏ" trong báo cáo đầy đủ dài 6.700 trang, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng các nhà lập pháp đã tìm cách thu thập các bằng chứng để kết tội CIA.

Theo bản báo cáo tóm lược dài 500 trang do Thượng viện công bố, sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, CIA đã tiến hành một chiến dịch bắt giữ, thẩm vấn và tra tấn bằng các biện pháp cực kỳ tàn bạo đối với những đối tượng tình nghi thuộc mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda dưới thời chính quyền của Tổng thống Cộng hòa W. Bush.

Những đối tượng này đã bị tra khảo bằng các hình thức hết sức tàn bạo và dã man, trong đó có việc trấn nước (waterboarding), đánh đập, giam ở ngoài trời giá lạnh và không cho ngủ...

CIA đã giấu diếm và lừa dối cả chính quyền của Tổng thống Barack Obama và Quốc hội về các hành động này. Chính quyền của Tổng thống Obama đã cho dừng chương trình tra khảo trên vào năm 2009, nhấn mạnh những hình thức tra tấn này cần đi ngược lại các giá trị của nước Mỹ.

Bản báo cáo đã khiến dư luận thế giới đồng loạt lên án Mỹ vi phạm nhân quyền và đòi xét xử những đối tượng đã vi phạm luật quốc tế.

Làn sóng chỉ trích đã bùng lên mạnh mẽ từ Liên hợp quốc và nhiều quốc gia, trong đó bao gồm cả những nước được xem là đồng minh thân cận của Washington./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục