Giám đốc CIA bảo vệ thỏa thuận khung giữa nhóm P5+1 và Iran

Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã lên tiếng bảo vệ mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được với Iran và cho rằng những lời chỉ trích là cố tình hiểu sai sự thật.
Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước những chỉ trích về thỏa thuận hạt nhân mà các nước Nhóm P5+1 và Iran vừa đạt được, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan đã lên tiếng bảo vệ mạnh mẽ và cho rằng những lời chỉ trích là cố tình hiểu sai sự thật.

Phát biểu tại Đại học Harvard ngày 7/4, Giám đốc Brenan khẳng định văn kiện này tạo tiền đề cho việc áp dụng một số hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran, từng một thời là điều bất khả thi.

Ông nhấn mạnh rằng những người coi thỏa thuận thực chất là dọn đường cho Iran phát triển bom nguyên tử là cố tình bóp méo sự thật.

Trong phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi nội dung đầy đủ của thỏa thuận khung được công bố hồi tuần trước, quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ khẳng định thỏa thuận không những "khoanh vùng" được việc làm giàu urani của Iran mà còn giới hạn cả việc làm giàu plutoni và thiết lập một cơ chế thanh sát rõ ràng của cộng đồng quốc tế đối với chương trình phát triển hạt nhân của Tehran.

Theo thỏa thuận khung vừa đạt được tại Lausanne (Thụy Sĩ), Iran đồng ý cắt giảm 98% lượng urani làm giàu và không sản xuất plutoni trong vòng 15 năm. Số lượng máy ly tâm của Iran cũng được giảm 2/3, còn 6.000 từ 19.000 máy hiện nay. Tuy nhiên, trong 10 năm tới Iran chỉ được phép sử dụng 5.060 máy ly tâm để làm giàu hạt nhân.

Theo Kế hoạch tổng thể chung được thông qua tại Lausanne, trong vòng 15 năm tới Iran đồng ý không xây mới bất kỳ cơ sở làm giàu urani nào, không làm giàu urani quá 3,67% và giảm kho nhiên liệu làm giàu của mình từ 10 tấn xuống còn 300kg. Lượng nguyên liệu hạt nhân dư thừa sẽ phải chuyển ra ngoài đất nước, không loại trừ đến Nga.

Thêm vào đó, Iran cho phép các thanh sát viên quốc tế của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tiếp cận tất cả mọi cơ sở hạt nhân, đồng thời nhất trí thiết kế và xây dựng lại lò phản ứng nghiên cứu nước nặng ở Arak. Đổi lại, các cường quốc cũng đồng ý dỡ bở các biện pháp trừng phạt Iran một khi nước này tuân thủ mọi cam kết trong thỏa thuận.

Những nội dung này đã được cộng đồng quốc tế đón nhận tích cực, song cũng đối mặt với không ít lời chỉ trích và hoài nghi. Các ý kiến phản bác đến từ Israel và các nghị sỹ Cộng hòa đang kiểm soát Quốc hội lưỡng viện Mỹ.

Tel Aviv cho rằng thỏa thuận là một "sai lầm lịch sử" khi tạo điều kiện cho Tehran có quyền hợp pháp phát triển bom hạt nhân, có thể khiến thế giới phải đối mặt với nhiều mối đe dọa.

Các nhà lập pháp Mỹ chỉ trích đây là một "sự chuyển hướng đáng báo động" từ các mục đích ban đầu của Nhà Trắng, cho rằng Chính quyền Tổng thống Barack Obama đang bao che và có những nhượng bộ nhất định đối với Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục