Việt Nam đang duy trì công tác kiểm soát bệnh lao để giảm 90% tỷ lệ mắc, giảm 95% tỷ lệ tử vong do lao so với mức độ của năm 2015 và không một hộ gia đình nào phải chịu chi phí thảm hoạ do lao gây ra, nhằm đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.
Tiến sỹ Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Dự án Phòng chống lao Việt Nam đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh công tác phòng chống lao và hợp tác quốc tế hiện nay.
14.000 người tử vong do lao mỗi năm
- Xin ông cho biết tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam hiện nay như thế nào?
Tiến sỹ Đinh Văn Lượng: Theo báo cáo Global Tuberculosis Report 2022 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người người mắc bệnh lao và 14.000 người tử vong do lao mỗi năm.
Việt Nam tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine ngừa lao mới
Vaccine ngừa lao mới khác biệt hẳn với vaccine ngừa lao hiện tiêm cho trẻ. Vaccine áp dụng công nghệ ADN giống với nguyên lý của vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer.
Đáng lưu ý, có 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.
Vì vậy, bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hàng nghìn ngưỡi mỗi năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.
- Những năm qua, Chương trình Chống lao Quốc gia đã làm gì để tăng cường hiệu quả công tác này, thưa ông?
Tiến sỹ Đinh Văn Lượng: Ngay sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong năm 2022-2023, Chương trình Chống Lao Quốc gia đã đẩy mạnh triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao nhằm tăng tối đa số bệnh nhân lao được phát hiện, chẩn đoán và thu nhận vào điều trị, cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, phục hồi hoạt động phát hiện bệnh lao sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Sự thành công đó là nhờ vào việc áp dụng các kỹ thuật mới, triển khai các hoạt động và can thiệp gắn liền với hệ thống y tế cơ sở để tăng cường chất lượng chẩn đoán và điều trị đồng thời duy trì bền vững công tác dự phòng lao.
Đặc biệt trong năm 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia/Bệnh viện Phổi Trung ương đã nâng cao năng lực và đẩy mạnh vai trò tuyến y tế cơ sở trong phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh lao thông qua chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ phòng chống lao các tuyến. Đây là yếu tố quan trọng để các dịch vụ khám chữa bệnh lao có chất lượng cao tới được với người dân đồng thời kết hợp với tuyên truyền, giáo dục về bệnh lao cho người dân, bệnh lao hoàn toàn có thể được chẩn đoán và điều trị khỏi như các bệnh hô hấp khác.
Việc đẩy mạnh tuyên truyền thông điệp bệnh lao hoàn toàn có thể được chẩn đoán và điều trị khỏi sẽ góp phần giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh lao trong cộng đồng, tăng sự chủ động của cộng đồng trong tiếp cận khám chữa bệnh lao, đây là yếu tố then chốt để làm giảm nhanh dịch tễ bệnh lao, hướng tới chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam.
Việc áp dụng thành công các kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm và xây dựng phác đồ mới điều trị bệnh lao đã giúp giảm gánh nặng bệnh lao tại Việt Nam nhanh hơn nhiều so với mức trung bình của toàn thế giới. Số liệu phát hiện bệnh nhân lao trong những tháng đã qua của năm 2023 cũng đã có sự cải thiện đáng kể, thậm chí cao hơn rất nhiều thời điểm dịch bệnh COVID-19 xảy ra.
Hỗ trợ ra quyết định phòng chống lao kịp thời và chính xác
- Vừa qua Chương trình Phòng chống Lao Quốc gia đã ra mắt Hệ thống Giám sát và Quản lý thông tin bệnh lao phiên bản nâng cấp (VITIMES). Ý nghĩa của việc nâng cấp Hệ thống này là như thế nào?
Tiến sỹ Đinh Văn Lượng: VITIMES là Hệ thống giám sát và quản lý thông tin bệnh lao được Chương trình Chống lao Quốc gia xây dựng và triển khai từ năm 2010. Hiện tại, VITIMES đang được triển khai tại 63 tỉnh/thành phố và hơn 900 cơ sở y tế tuyến quận/huyện và tương đương trên toàn quốc với chức năng chính là quản lý các báo cáo, số liệu quan trọng của bệnh lao, phục vụ việc theo dõi, giám sát, nghiên cứu khoa học, lập kế hoạch và ra quyết định.
Tuy nhiên, các dữ liệu hiện tại trên VITIMES chủ yếu là về lao nhạy cảm, thiếu các cấu phần về lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn, quản lý người tiếp xúc cũng như thiếu sự kết nối, trao đổi dữ liệu với các hệ thống khác như hệ thống dữ liệu của Bảo hiểm xã hội, phần mềm quản lý bệnh viện (HIS), hệ thống thông tin điện tử của Chương trình HIV hay phần mềm quản lý dữ liệu xét nghiệm của Chương trình Chống lao Quốc gia.
Việc nâng cấp hệ thống VITIMES là cần thiết vì sẽ giúp Chương trình Chống lao Quốc gia kiện toàn, chuẩn hóa hệ thống giám sát và quản lý thông tin, sẵn sàng để kết nối trao đổi dữ liệu với nhiều hệ thống khác hiện tại và trong tương lai. Các dữ liệu của Chương trình Chống lao Quốc gia được quản lý tập trung trên một hệ thống sẽ tạo thuận lợi trong việc quản lý, cung cấp và phân tích số liệu, giúp cho việc ra quyết định được kịp thời và chính xác hơn.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ tiếp tục hợp tác để đảm bảo tất cả các tuyến trong hệ thống phòng chống lao, từ tuyến Trung ương, đến tỉnh, huyện, xã có đủ năng lực để tiếp cận tới những nhóm cộng đồng dễ tổn thương và cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao tới những đối tượng cần hỗ trợ. VITIMES phiên bản nâng cấp là một minh chứng về cam kết của USAID trong việc hỗ trợ Việt Nam duy trì công tác kiểm soát bệnh lao.
- Xin trân trọng cảm ơn ông./.