Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 5599/BYT- MT gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn cách ly F0 tại nhà sau thời gian điều trị tại các cơ sở y tế, nhằm giảm số lượng người bệnh COVID-19 được điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố đang có số lượng người bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…
Chia sẻ về lợi ích của việc cách ly F0, F1 tại nhà trong thời điểm này cũng như những điều kiện để tránh nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết:”Cách ly tại nhà F1, F0 thực sự giảm tải cho các cơ sở y tế và còn có lợi ích cho người dân, vì khi có đủ điều kiện ở nhà, cuộc sống đỡ đảo lộn hơn thì có điều kiện tốt hơn chăm sóc sức khỏe của mình, tránh được lây nhiễm chéo trong cách ly tập trung, đỡ cho ngân sách nhà nước”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 5599/BYT-MT về giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19 và khi áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh, ta đã thấy rõ ràng lợi ích của nó.
Đó là hình thức cách ly các trường hợp đủ điều kiện theo như văn bản của Bộ Y tế. Các bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế có thể xuất viện vào ngày thứ 10 khi đảm bảo 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày.
Với ca bệnh được phát hiện tại cộng đồng (kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2) không có triệu chứng lâm sàng, nếu có tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) thì đưa vào cơ sở y tế cách ly và theo dõi, sau 24h làm lại xét nghiệm và nếu tiếp tục có tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) hoặc kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 thì được xuất viện và được giám sát y tế.
Bên cạnh đó, với hơn 80% ca F0 nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng, hoặc triệu chứng rất nhẹ, không cần vào bệnh viện, không cần sự chăm sóc y tế thực sự thì có thể được cách ly ngoài bệnh viện. “Khi số lượng ca phải cách ly lên đến mấy chục ngàn và các bệnh viện không thể cung cấp đủ giường, không thể đảm đương chăm sóc y tế thì cách ly tại nhà các trường ợp F1, F0 thực sự giảm tải cho các cơ sở y tế. Và còn có cà lợi ích cho người dân”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.
Theo ông Nhung, với việc cách ly các trường hợp F1 thì mục tiêu cơ bản là cắt đứt đường lây truyền nếu có. Thứ hai là để F1 tự theo dõi sức khỏe và đề nghị xét nghiệm xem mình có bị nhiễm không.
Đối với các ca F0, cũng có 2 mục tiêu rõ ràng. Một là, tự theo dõi sức khỏe nhận biết lúc nào có biến chứng, vì chỉ có 20% người bệnh có biến chứng, 80% bình an. Thứ hai là không để F0 làm lây nhiễm cho người thân và cộng đồng. Đó là hai đích đạt được trong quá trình cách ly.
[Tình hình cấp bách, TP. HCM yêu cầu siết chặt thực hiện Chỉ thị 16]
Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cách ly F1 tại nhà cần 4 điều kiện, F0 tại nhà cần 7 điều kiện.
Theo đó, với việc cách ly F1 tại nhà, thứ nhất, người được cách ly phải hiểu COVID-19 là gì, lây ra sao, đảm bảo không lây nhiễm và mọi người trong gia đình phải cam kết.
Thứ hai là gia đình phải đủ cơ sở vật chất để làm, ví dụ có phòng khép kín với thiết bị vệ sinh, tách biệt với cả gia đình... Tốt hơn là có phòng đệm để trao đổi thức ăn.
Thứ ba là phải có người phục vụ, vì người cách ly sẽ không ra khỏi phòng.
Thứ tư là giám sát, tuy là cách ly tại nhà, song vẫn có cả hệ thống y tế theo dõi và nhiều người hỗ trợ. Điều kiện này cực kỳ quan trọng. Lúc này, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng sẽ phát huy hiệu quả, cán bộ y tế được giao nhiệm vụ.
Với các ca F0 thì phải thêm điều kiện khác nữa. Điều kiện thứ năm là phải biết tự theo dõi sức khỏe của mình, ví dụ đo nhiệt độ, huyết áp, dụng cụ đo bão hòa oxy ở đầu ngón tay, phải biết thế nào là khó thở, tức ngực, theo dõi định kỳ hằng ngày..., thông tin đó phải trao đổi với người giám sát, thực hành đúng.
Thứ sáu là liên quan đến xét nghiệm, nếu ở nhà làm thế nào? “Tôi khuyến cáo là dùng test nhanh tại nhà,” ông Nhung nói.
Thứ bảy là nếu có biến chứng, cần vào bệnh viện chăm sóc thì cần điều kiện như thế nào về bảo hộ, phương tiện...
Về triệu chứng thông thường của người mắc COVID-19, ông Nhung cho biết, đó là mệt, nhức mỏi, mất khứu giác, đổ mồ hôi lạnh và hay gặp nhất là sốt. Trường hợp bệnh nhân không sốt mà mất khứu giác và vị giác thì là do virus tấn công vào cơ quan niêm mạc mũi và họng.
Với bệnh nhân F0 đang được cách ly tại nhà và có dấu hiệu trở nặng cần nhập viện, ông Nhung chia sẻ, đầu tiên chúng ta cần xem xét dấu hiệu ở phổi. Nếu khó thở, tức ngực, đây là dấu hiệu trở nặng. Lấy mốc 24 lần một phút, khi đo nhịp thở đặt tay ở ngực hoặc bụng. Đếm trong một phút, trên 24 lần một phút là có vấn đề.
“Ví dụ, trước đây bạn đi lại bình thường trong phòng cách ly, nhưng nếu đi nhanh lại khó thở là dấu hiệu trở nặng. Nặng hơn nữa là gọi điện thoại không thể nói đủ câu. Khi soi gương thấy da xanh, môi nhợt cũng là dấu hiệu. Khi không thể đi ra khỏi giường, đầu ngón tay ngón chân nhạt, có xuất huyết dưới da. Đây là mức độ từ nhẹ đến nặng. Nhưng dấu hiệu khó thở là quan trọng nhất. Khi mắc COVID-19, sự tổn thương phổi, lấp đầy phế nang rất nhanh. Như vậy cần theo dõi rất kỹ nhịp thở của mình. Chúng ta hít mạnh và quan sát xem có vấn đề gì hay không, nhất là khi gắng sức,” ông Nhung tư vấn.
Trước băn khoăn của người dân về việc nên chuẩn bị và dự trữ những loại thuốc nào khi cách ly F0, F1 cách ly tại nhà cũng như có nên tích trữ máy thở hay đo oxy tại nhà hay không, ông Nhung khẳng định rằng điều này không cần thiết.
Lý do là những ca F0 được cách ly tại nhà là những trường hợp đủ tiêu chuẩn, không triệu chứng. Các trường hợp cần oxy và máy thở phải được đưa đến bệnh viện.
“Chúng ta tuyệt đối không tích trữ oxy, máy thở. Oxy chỉ dành cho người bị bệnh mạn tính, như viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, bụi phổi... Điều trị oxy là biện pháp hỗ trợ dài ngày. Bệnh nhân COVID-19 còn cần điều trị đặc hiệu nhiều biện pháp khác. Dự trữ rất nguy hiểm, thậm chí dùng không đúng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó, chúng ta có thể tạo ra tình trạng khan hiếm giả tạo, vô hình trung làm hại người khác mà không biết,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung khuyến cáo.
Chia sẻ kinh nghiệm tập thở tại nhà, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương khuyến cáo nên tập thở bụng để dung lượng thở tốt hơn, lưu thông không khí trong phổi, căng giãn một cách tốt nhất. Nằm sấp và nằm nghiêng giúp chúng ta đỡ khó thở. Nếu tức ngực cần báo cáo để được đưa vào bệnh viện, không thể tự điều trị tại nhà.
Với trường hợp F0 có sốt, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, sốt 38 độ thì chưa cần sử dụng thuốc hạ sốt, trên 38,5 độ thì dùng paracetamol; có thể dùng khăn ấm, vì khăn ấm ẩm, giúp ta hạ nhiệt, có thể chườm ở trán, nách, có nhiều mạch máu, ta sẽ dễ chịu hơn.
Người bệnh cần uống nhiều nước là nước điện giải, ăn uống điều độ và đủ chất. Có thể sử dụng thêm các thuốc khác như viên đạm vitamin C, nhóm B, theo dõi nhịp thở và bão hòa oxy...
Đặc biệt phải xem mức độ khó thở. Và kết nối với cán bộ y tế để khai báo thông tin ấy hàng ngày, nhịp thở bao nhiêu.../.