Nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam, chiều ngày 23/5 tại Hà Nội, Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức buổi tiếp xúc doanh nghiệp. Sự kiện thu hút mối quan tâm lớn của đại diện các bộ, ngành, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham bày tỏ tin tưởng rằng, TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho các công ty, nhà đầu tư, người lao động, nông dân và người tiêu dùng ở cả Việt Nam và Mỹ. Không những thế, khi TPP được triển khai đầy đủ, sẽ mở đường cho nền kinh tế số, tăng cường sức mạnh cho các ngành công nghiệp sáng tạo và đổi mới; đồng thời góp phần tạo nên sân chơi bình đẳng không chỉ đối với các doanh nghiệp, mà kể cả các nhà đầu tư.
TPP được đánh giá là một nhân tố tạo sự thay đổi và chuyển biến to lớn đối với Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp hội viên của AmCham đang hoạt động ở Việt Nam. TPP góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam, giúp mở ra nhiều cơ hội mới thúc đẩy Việt Nam tăng tốc trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa, ông Adam Sitkoff nhấn mạnh.
Đánh giá về triển vọng hợp tác giữa các nước thành viên thuộc TPP; trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ, ông Michael Froman, Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nhận định, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi nên cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh. Quan trọng nhất là các vấn đề liên quan tới đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho người lao động, thực hiện các thỏa ước với người lao động, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường…
Trước những băn khoăn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những vướng mắc của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc lưu giữ sổ sách, tính toán, hạch toán chi phí đầu vào, các thủ tục thuế…khiến họ khó vươn lên và trụ vững trong hội nhập kinh tế quốc tế, ông Michael Froman cho rằng, không thể duy trì những rào cản hay chướng ngại vật nào để kiềm chế sự phát triển của khu vực kinh tế này. Các doanh nghiệp cần phải được đối xử công bằng, được tạo ra một sân chơi bình đẳng để cùng tham gia cạnh tranh với những cơ chế và luật chơi minh bạch.
Khu vực kinh tế tư nhân cần được tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận với các thị trường quan trọng, kích thích cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài và góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng cho các chuỗi cung ứng. Đây sẽ chính là những cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, giúp tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu. Xuất phát từ mong muốn tạo lợi thế đặc biệt để Việt Nam có thể tiếp cận ngày càng nhiều thị trường lớn trên thế giới. Với việc mở cửa thị trường và tự do hóa thương mại với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới khi cam kết thuế nhập khẩu bằng không, Việt Nam sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn, đặc biệt trong việc thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước.
Sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Chính phủ Việt Nam nhận thấy các chính sách về quản lý thương mại, quản lý kinh tế đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần cải thiện môi trường thể chế, môi trường kinh doanh, giúp Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng và hiệu quả hơn với cộng đồng quốc tế./.