Giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào tiền lương trong doanh nghiệp

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, Việt Nam đang bắt đầu cải cách chính sách tiền lương theo định hướng giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào tiền lương ở doanh nghiệp.

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, Việt Nam đang bắt đầu cải cách chính sách tiền lương theo định hướng giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào tiền lương ở doanh nghiệp.

[Tăng lương tối thiểu vùng: Người lao động và doanh nghiệp cùng kêu khó]

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị đối thoại về lao động và bảo hiểm xã hội với các doanh nghiệp Hàn Quốc do Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 9/8 tại Hà Nội.

Tại hội nghị, đại điện các doanh nghiệp Hàn Quốc và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam cùng trao đổi, chia sẻ, đối thoại về các chính sách lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội… nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động và chủ sử dụng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, hiện nay các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc đang sử dụng nguồn lao động Việt Nam lên tới một triệu người. Vì vậy, việc thường xuyên đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động với các doanh nghiệp Hàn Quốc có ý nghĩa rất quan trọng.

Trong buổi đối thoại trực tiếp, chủ các doanh nghiệp bày tỏ sự đặc biệt quan tâm tới những chính sách sẽ được sửa đổi trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động (sửa đổi) và cải cách bảo hiểm xã hội.

Trước ý kiến của doanh nghiệp về những bất cập trong chính sách tiền lương, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay, tiền lương dựa trên cơ sở thương lượng và thoả thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Trong lần sửa đổi Bộ Luật Lao động tới, quy định khoảng cách 5% giữa các bậc lương sẽ dần dần bị bãi bỏ.

Bên cạnh đó, chủ các doanh nghiệp cũng quan tâm tới các chính sách, quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; tăng thời giờ làm thêm; các quy định về đối thoại, thương lượng, tranh chấp lao động...

Đặc biệt, đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về cách tính đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sẽ gồm 4 khoản: Mức lương theo công việc hoặc chức danh; phụ cấp lương; khoản bổ sung khác; các chế độ và phúc lợi khác.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ lắng nghe ý kiến cả hai phía để đảm bảo hài hoà lợi ích của cả doanh nghiệp và người lao động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục