Tiếp tục phiên chất vấn sáng 8/6 với lĩnh vực giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã giải đáp vấn đề về ùn tắc và giải pháp đầu tư sân bay, tiến độ hoàn thành cao tốc Bến Lức-Long Thành và bảo trì Quốc lộ 51 đang xuống cấp.
Bỏ nghìn tỷ nhưng tần suất cất, hạ cánh giảm
Trả lời tranh luận vì sao bỏ mấy nghìn tỷ đồng nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất mà số lượng máy bay cất cánh lại giảm hơn so với trước nâng cấp của Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định), Bộ trưởng Thắng cho hay vào năm 2019 khi đường băng ở nhiều sân bay trong nước (trong đó có sân bay Tân Sơn Nhất) xuống cấp thì phải nâng cấp để nâng cao năng lực vận tải, đảm bảo mục tiêu cất hạ cánh an toàn.
“Khi cảng hàng không Tân Sơn Nhất khai thác với tần suất 44-46 chuyến khiến nhà ga của cảng không và đường kết nối từ trong nhà ga ra ngoài không đáp ứng được. Để khắc phục, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam để điều chỉnh giảm một số chuyến bay ra khỏi giờ vàng và đến nay việc ùn tắc đã được giải quyết. Khi hoàn thành nhà ga T3 chắc chắn sẽ nâng tần suất cất hạ cánh của máy bay nhiều hơn,” ông Thắng thông tin thêm.
[Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đón gần 24 triệu lượt khách trong dịp Hè]
Liên quan đến dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo để giao thông giữa đảo với đất liền được thuận lợi hơn mà Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) quan tâm, Bộ trưởng Thắng cho biết dự án này đã được phê duyệt và được Bộ Giao thông Vận tải đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo dự kiến, khi nâng cấp đường cất hạ cánh vẫn giữ nguyên chiều dài 1.830m.
Tuy nhiên, khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cũng băn khoăn, nếu nâng cấp phải nâng cấp toàn diện, tức là đường bay phải dài ra và có thể tiếp nhận máy bay A320, 321; thực tế trong những điều kiện thời tiết xấu, máy bay A320, A321 vẫn phải hạ tải mới có thể hạ cánh.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải đã có trao đổi với Bí thư tỉnh uỷ Bà Rịa-Vũng Tàu và đã đề xuất mong muốn giao cho địa phương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kêu gọi theo hình thức PPP, khi đó mới thực hiện nâng cấp sân bay Côn Đảo.
“Hiện nay sân bay vẫn khai thác bình thường với loại tàu bay nhỏ,” Bộ trưởng Thắng nói rõ.
Trả lời đại biểu Phúc về băn khoăn dự án BOT Quốc lộ 51 khi dừng thu nhưng vẫn chưa hoàn thành các thủ tục bàn giao, nếu xuống cấp thì ai chịu trách nhiệm duy tu, Bộ trưởng cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã quyết liệt yêu cầu doanh nghiệp dự án thực hiện thủ tục bàn giao, để bộ tiếp quản việc quản lý cũng như bảo trì.
“Trong trường hợp doanh nghiệp chưa chịu bàn giao, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ chỉ đạo để thực hiện việc tiếp quản, vị trí nào hỏng cần nâng cấp bảo trì, bộ sẽ bỏ tiền ra và sau này sẽ tính toán khi thanh lý hợp đồng với doanh nghiệp,” ông Thắng quả quyết.
Cao tốc Bến Lức-Long Thành sẽ xong trong quý 3/2025
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) về dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2022, Bộ trưởng cho biết dự án này bị chậm trễ do Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khó khăn về nguồn vốn đối ứng, dẫn đến các nguồn vốn JICA, ADB không giải ngân, gia hạn.
Để tháo gỡ cho dự án, vừa qua Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; VEC cũng đã trình cấp thẩm quyền tháo gỡ vấn đề tài chính, đến nay các vướng mắc đã được giải quyết.
[Chính thức gỡ nút thắt vốn đối ứng cho cao tốc Bến Lức-Long Thành]
Cụ thể nguồn vốn JICA đã được Quốc hội giao, vốn đối ứng đã được Chính phủ thống nhất chủ trương giao cho VEC.
“Như vậy, khó khăn về nguồn vốn đã được tháo gỡ, các nhà thầu sẽ tiếp tục triển khai thi công xây dựng. Theo kế hoạch, các đoạn tuyến sử dụng nguồn vốn ADB sẽ hoàn thành ngay trong quý 1-2/2025 và việc hoàn thành toàn tuyến dự kiến chậm nhất quý 3/2025. Hiện nay VEC đang chuẩn bị quy trình thủ tục để tiếp tục triển khai thực hiện,” Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải nói./.