Giảm bớt gánh nặng cho những gia đình bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19

Nhóm lao động nghèo, lao động không chính thức, lao động nhập cư, trẻ em và gia đình không có giấy tờ tùy thân đã và đang là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19.
Chi trả hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 15/8, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với 14 đối tác tổ chức Hội thảo khởi động dự án "Vì một Việt Nam không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch COVID-19," kết hợp trao quà và truyền thông giáo dục về phòng ngừa COVID-19 cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch tại Hà Nội.

Dự án được Tổ chức United Way Worldwide (UWW), Công ty 3M và Tổ chức Community Chest of Korea (CCK) tài trợ.

Đại dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Tại Việt Nam, sau 99 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại với số ca nhiễm tăng lên hằng ngày, gây khó khăn cho mọi hoạt động kinh tế-xã hội.

Nhóm lao động nghèo, lao động không chính thức, lao động nhập cư, trẻ em và gia đình không có giấy tờ tùy thân đã và đang là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Thực tế, còn nhiều hộ gia đình chưa tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ.

Nhằm hỗ trợ phần nào cho các hộ gia đình gặp khó khăn, dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch COVID-19, trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12/2020, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững triển khai dự án "Vì một Việt Nam không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch COVID-19."

Dự án hướng tới cung cấp các gói hỗ trợ thực phẩm, vệ sinh và tuyên truyền giáo dục phòng tránh COVID-19 cho hơn 400 hộ gia đình tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tương đương với khoảng 1.000-1.200 người hưởng lợi. Tổng số tiền tài trợ của dự án là 78.500 USD.

Đối tượng hỗ trợ của dự án rất đa dạng, gồm trẻ em và gia đình không có giấy tờ tùy thân, vô gia cư, người khuyết tật, các gia đình trẻ bại não, người lao động nhập cư, người nhiễm HIV/AIDS… được các tổ chức xã hội tìm kiếm, bảo trợ. Đây là những gia đình thực sự đang cần sự hỗ trợ nhất, nhưng khó tiếp cận với các nguồn hỗ trợ khác.

Bên cạnh đó, dự án cũng truyền thông nâng cao nhận thức và huy động nguồn lực cộng đồng trong tương trợ, hỗ trợ những gia đình khó khăn do đại dịch COVID-19 để không ai bị bỏ lại phía sau.

Viện trưởng MSD Nguyễn Phương Linh chia sẻ đại dịch COVID-19 đã tác động và thay đổi mọi mặt của cuộc sống, mỗi người đều đang dần thích nghi với trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, đối với các nhóm yếu thế như nhóm lao động nghèo, lao động không chính thức, lao động nhập cư, trẻ em và gia đình không có giấy tờ tùy thân, người khuyết tật, việc duy trì những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày cũng là một thách thức.

Thông qua dự án "Vì một Việt Nam không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch COVID-19," MSD cùng Tổ chức United Way Worldwide, Công ty 3M, Tổ chức CCK và các tổ chức đối tác mong muốn được chia sẻ, góp phần giảm bớt gánh nặng cho những người đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch này.

[Hỗ trợ tài chính cho nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch COVID-19]

Bà Nguyễn Phương Linh bày tỏ hy vọng dự án sẽ là một khởi đầu tốt đẹp để từ đây, MSD và các tổ chức đối tác có thể lan tỏa, nhân rộng mô hình này và hỗ trợ được nhiều người dễ bị tổn thương trong xã hội, để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Bà Bùi Thị Lan, có 3 con đều là trẻ khuyết tật, một trong những hộ gia đình khó khăn nhận được gói hỗ trợ từ dự án, chia sẻ ngay từ đợt dịch đầu tiên, cuộc sống gia đình bà đã rất khó khăn. Bà bày tỏ vui mừng khi được nhận sự hỗ trợ từ dự án, đồng thời được biết thêm những kiến thức để phòng, chống dịch COVID-19.

Tại hội thảo, ban tổ chức đã trao tặng cho 15 hộ gia đình đang sinh sống tại Hà Nội phần quà hỗ trợ bao gồm thực phẩm, thiết bị y tế, vệ sinh cơ bản và tài liệu giáo dục truyền thông nhằm phòng tránh lây nhiễm COVID-19.

Các phần quà còn lại sẽ tiếp tục được trao tận tay hơn 400 hộ gia đình tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh 1 tháng/lần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục