Giảm 18.279 tỷ đồng lợi nhuận hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng COVID

Nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các tổ chức tín dụng đã "hy sinh" hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 21/7, tại báo cáo cập nhật kết quả điều hành hoạt động tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, lũy kế số tiền lãi miễn, giảm cho khách hàng từ 23/1/2020 đến 14/6 của toàn hệ thống ngân hàng là 18.279 tỷ đồng; trong đó số tiền lãi đã miễn, giảm thực tế là 13.679 tỷ đồng và số tiền lãi sẽ miễn, giảm theo cam kết là 4.600 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo, tính đến ngày 14/6, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 241.443 khách hàng, với dư nợ 326.299 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 679.877 khách hàng, với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch, với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 3,7 triệu tỷ đồng cho 506.151 khách hàng.

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng thực hiện gia hạn nợ cho 178.952 khách hàng, với dư nợ 4.472 tỷ đồng; cho vay mới đối với 3,11 triệu khách hàng, với số tiền 113.710 tỷ đồng. 

[Hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch: Ngân hàng vào cuộc giảm lãi suất]

Về các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID19; Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, căn cứ năng lực tài chính để thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của khách hàng…

Thông tư 03 sửa đổi, bổ sung một số nội dung theo hướng điều chỉnh kéo dài về thời gian khoản nợ phát sinh so với Thông tư 01; sửa đổi theo hướng quy định rõ hơn so với Thông tư 01 về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ và thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ tối đa; bổ sung mới quy định về thời gian tổ chức tín dụng thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm phí cho khách hàng (thực hiện đến ngày 31/12/2021); bổ sung quy định về trích lập dự phòng nhằm củng cố nguồn dự phòng để xử lý rủi ro, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành cơ chế cho vay tái cấp vốn tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) với tổng số tiền tái cấp vốn là 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm.

Về chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân cho Ngân hàng Chính sách với tổng số tiền 42,9 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách đã cho vay tại 56 tỉnh, thành phố, với dư nợ 41,82 tỷ đồng; qua đó 245 người sử dụng lao động đã có có thể để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động. Đến ngày 31/5, tổng dư nợ của chương trình tại Ngân hàng Chính sách là 38,47 tỷ đồng, với 228 người sử dụng lao động còn dư nợ.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã kêu gọi các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhiều ngân hàng đã công bố giảm từ 0,5%-1,5%, thậm chí có ngân hàng còn giảm tới 3% lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.

Điển hình BIDV giảm mạnh nhất lên đến 2% cho một số nhóm khách hàng gặp khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm, BIDV đã triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi với tổng quy mô lên đến 368.000 tỷ đồng; đối với khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Các khách hàng còn lại cũng được giảm 1%/năm; VietinBank cũng tiếp tục giảm lãi suất cho vay 1%/năm cho các khách hàng chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. Dự kiến, tổng số tiền lãi và phí VietinBank hỗ trợ khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2021 là trên 2.000 tỷ đồng và cả năm lên tới trên 6.000 tỷ đồng.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần như MB, TPBank, HDBank, VIB.. cũng thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của nhiều đối tượng khách hàng cụ thể từ 1%-1,5%/năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục